Phát biểu tại một sự kiện ngày 10/10, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng tình hình bất ổn hiện tại ở Hồng Kông là "điều tồi tệ" đối với Singapore và sẽ ảnh hưởng tới cả khu vực.
Ông Lý Hiển Long dùng từ "trầm trọng" để mô tả tình hình hiện tại ở Hồng Kông bởi sự "chia rẽ sâu sắc trong xã hội và quan điểm của các bên".
Theo tờ Nikkei, Hồng Kông và Singapore thường được mang ra so sánh khi đều là những trung tâm tài chính của châu Á, tâm điểm giao thông trong khu vực, và cùng sở hữu hệ thống giáo dục chất lượng cao.
Khi được hỏi liệu biểu tình tại Hồng Kông có ảnh hưởng tới Singapore, ông Lý Hiển Long nói rằng: "Đây là điều tồi tệ với chúng tôi" và nói thêm rằng sẽ "tốt hơn rất nhiều nếu Hồng Kông duy trì được sự ổn định và thịnh vượng".
"Chúng tôi hợp tác và cạnh tranh với họ. Chúng tôi sẽ làm ăn kinh doanh với họ và với Trung Quốc", Thủ tướng Singapore nhấn mạnh. "Những bất ổn (ở Hồng Kông) sẽ ảnh hưởng tới cả khu vực và tình trạng thiếu niềm tin cũng sẽ tác động tới cả khu vực".
Ông Lý Hiển Long chỉ ra các vấn đề nội tại của Hồng Kông đằng sau các cuộc biểu tình gồm nhà ở, việc làm, y tế và giáo dục.
"Đây là những thứ hết sức cơ bản mà tôi cho rằng Hồng Kông đang phải chịu áp lực. Tất cả những điều này đã được thể hiện qua các cuộc biểu tình", nhà lãnh đạo Singapore nhận định.
Trong sự kiện ngày 10/10, ông Lý Hiển Long cũng đề cập đến những thách thức nội tại và toàn cầu mà Singapore đang phải đối mặt.
Một trong số đó là tình trạng già hoá dân số. Theo những thống kê mới nhất, dân số Singapore hiện là 5,7 triệu người, tăng 1,2% so với năm trước, và số lượng công dân Singapore - dân số trừ đi người nước ngoài và người nhập cư - là 3,5 triệu, tăng 0,8%.
Ông chỉ ra rằng, việc 1/3 người trẻ Singapore trì hoãn việc kết hôn hiện nay khiến tỷ lệ sinh tại nước này giảm.
"Dân số Singapore vẫn tăng nhẹ nhưng chúng tôi cho rằng chỉ trong 4-5 năm nữa dân số sẽ giảm. Và nếu tỷ lệ sinh không được cải thiện thì có thể xu hướng giảm sẽ xảy ra", ông Lý Hiển Long nhận định.
Đề cập đến chính sách bảo hộ của Mỹ và các quốc gia khác, Thủ tướng Singapore nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đa phương.
"Các quốc gia cần phải thúc đẩy hợp tác đa phương" thông qua các hiệp định như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - một hiệp định thương mại lớn của khu vực châu Á.
Đánh giá về công tác đàm phán RCEP, đã kéo dài nhiều năm, ông Lý Hiển Long nói rằng: "Hy vọng rằng chúng ta có thể đạt được thoả thuận cuối cùng. Tôi tin rằng đàm phán đang có bước tiến".