Kinh tế tháng 9 và 9 tháng là rất toàn diện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu nhận định tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng nay, 1/10.
Với những gì đã thực hiện được, Thủ tướng cho biết đất nước có cơ sở để vượt 8 và đạt 4 chỉ tiêu mà Quốc hội đã giao trong năm 2018.
Nổi bật nhất là GDP 9 tháng tăng 6,98%, là mức tăng cao nhất kể từ 8 năm trở lại đây. Trong đó, cả 3 khu vực gồm nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều tăng cao. Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,65%, là một động lực chính của tăng trưởng.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57%. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 179 tỷ USD, tăng 15,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 17,5%, cao hơn khu vực FDI (tăng 14,6%). Có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD. Xuất siêu đạt 5,39 tỷ USD, là kỷ lục đáng mừng.
Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,9%. Tổng cầu tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,3%. Trong 9 tháng, cả nước có trên 96.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Thủ tướng cho biết Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về Chỉ số tinh thần khởi nghiệp, với 92% người được hỏi sẽ cân nhắc khởi nghiệp. 88% người sẵn sàng chấp nhận rủi ro thất bại khi khởi nghiệp trong khi đó, trung bình thế giới chỉ ở mức 47%.
Các lĩnh vực về văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đều có chuyển biến tốt.
Dù vậy, Thủ tướng nhấn mạnh cần nhìn thẳng, nhìn rõ các tồn tại, bất cập, khó khăn, yếu kém bên cạnh những điều tích cực đã được nêu ra. Thủ tướng đã đề nghị các Bộ trưởng "sẽ phát biểu thêm và đưa ra giải pháp cụ thể, nhất là trước tình trạng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc".
Đơn cử như vấn đề lạm phát. Theo Thủ tướng, CPI tháng 9/2018 tăng 0,59% so với tháng trước, chủ yếu do giá dịch vụ giáo dục tăng 5,7% và đặc biệt là giá xăng dầu tăng. Như vậy, sức ép lạm phát còn rất lớn, do nguyên nhân bên trong, bên ngoài, từ tỷ giá, lãi suất, lộ trình thực hiện giá thị trường, tăng lương, lạm phát tâm lý…
Đây là vấn đề cần theo dõi chặt chẽ để xử lý kịp thời, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát đề ra, Thủ tướng yêu cầu.
Hay đối với xuất khẩu, Người đứng đầu Chính phủ nói rằng một số mặt hàng nông sản gặp khó khăn, giá giảm. Tình trạng nông sản nhập khẩu mạo danh sản phẩm trong nước diễn biến phức tạp. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,8% so với cùng thời điểm năm trước. Doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Ông cũng lưu ý tình trạng giải ngân vốn đầu tư xây dựng tuy có cải thiện nhưng nhìn chung, còn nhiều bất cập. Một số bộ quan trọng có tỷ lệ giải ngân thấp. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, trật tự an toàn xã hội, khiếu kiện đông người ở một số địa bàn diễn biến phức tạp…