Chỉ vài ngày sau khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP (TPP-11) được ký kết, ngày 11/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ lên đường thăm chính thức New Zealand và Australia theo lời mời của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Australia ở Sydney.
Hai nước trong chuyến thăm song phương đầu tiên trong năm 2018 của Thủ tướng đều là thành viên của TPP-11. Sau lễ ký hiệp định này hôm 8/3 ở Santiago, Australia và New Zealand đều bày tỏ mong muốn sớm phê chuẩn. Chuyến công du của Thủ tướng sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác của ba thành viên quan trọng của FTA lớn thứ ba thế giới.
Cột mốc lớn trong quan hệ Việt Nam - Australia
Điểm nhấn của chuyến đi lần này là việc nâng cấp quan hệ chiến lược giữa Việt Nam với Australia, đã được thống nhất trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Malcolm Turnbull tháng 11/2017 ở APEC tại Đà Nẵng.
“Đây là cột mốc lớn thứ ba trong quan hệ song phương”, giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia nói với Zing.vn. Hai cột mốc khác ông nói là việc ký tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2009 và tuyên bố tăng cường quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2015.
Australia hiện là đối tác lớn nhất của Việt Nam ở Nam bán cầu với kim ngạch thương mại song phương đạt 6,5 tỷ USD (theo số liệu của Việt Nam). Số liệu của Australia (tính cả các dịch vụ) con số này đã đạt tới 10 tỷ USD. Hiện mỗi năm Australia dành cho Việt Nam khoảng 70,7 triệu USD viện trợ.
“Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Australia sẽ dẫn tới trao đổi thường xuyên hơn giữa lãnh đạo cấp cao, giúp giải quyết tốt hơn nhiều thách thức về phát triển kinh tế, các vấn đề xuyên quốc gia, hòa bình và an ninh ở khu vực cũng như trên thế giới. Giờ là thời điểm chín muồi để nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Canberra, đánh dấu kỷ niệm 45 năm quan hệ song phương”, ông Thayer nhận định.
"Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Australia rất đáng chờ đợi. Chúng ta sẽ chứng kiến tầm vóc mới cùng những hợp tác thú vị trong quan hệ Việt Nam - Australia", giáo sư Derek McDougall, chuyên gia chính trị châu Á từ Đại học Melbourne, nói với Zing.vn.
Những năm gần đây, Australia ngày càng tỏ ra quan tâm tới các diễn biến chính trị và an ninh tại Ấn Độ Dương và Đông Nam Á. Canberra cho thấy quan điểm nhất quán về thúc đẩy tự do hàng hải và tuân thủ luật pháp quốc tế trên các vùng biển tại châu Á - Thái Bình Dương.
"Việt Nam mong muốn những quốc gia như Australia đóng vai trò tích cực hơn trong thúc đẩy tự do hàng hải, duy trì hòa bình và an ninh khu vực. Sự tham gia lớn hơn của Australia vào duy trì trật tự hiện tại mang lại lợi ích cho hai nước", ông McDougall nhận xét.
Thời gian qua, tàu hải quân của Australia đã nhiều lần ghé thăm Việt Nam, lần gần nhất vào tháng 7/2017. Giáo sư McDougall nhận định các chuyến thăm Việt Nam của tàu quân sự Australia sẽ được tiến hành trong tương lai.
Theo giáo sư Thayer, không minh chứng nào tốt hơn về hợp tác cho hòa bình và an ninh toàn cầu hơn việc Việt Nam cam kết triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2 tới Phái đoàn Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan và Australia đề nghị chở các lính gìn giữ hòa bình của VN trên máy bay không vận Hercules của Không quân Hoàng gia Australia.
Chờ đợi đột phá thương mại với New Zealand
Với New Zealand, ngay trước chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Jacinda Ardern nói với TTXVN rằng "New Zealand là một đối tác tự nhiên của Việt Nam với những thế mạnh nổi tiếng thế giới về đổi mới, đặc biệt trong những lĩnh vực như thực phẩm và đồ uống chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao và giáo dục quốc tế".
Cả hai nước đều muốn tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác toàn diện (ký năm 2009) và hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng mạnh trong năm 2017 đạt xấp xỉ 1 tỷ USD - tăng hơn 32% so với 2016. Kim ngạch thương mại song phương kể từ khi ký FTA giữa ASEAN với New Zealand và Australia năm 2009 đã tăng tới 227,6%.
"Về cơ bản, Hà Nội vẫn sẽ là đối tác quan trọng của Wellington tại châu Á - Thái Bình Dương", giáo sư Derek McDougall nói với Zing.vn.
Các chuyên gia nhận định trong bối cảnh sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ tại Mỹ, với rủi ro về chiến tranh thương mại toàn cầu, New Zealand sẽ ưu tiên thúc đẩy quan hệ thương mại với các nền kinh tế mới nổi ở châu Á. Các nền kinh tế ASEAN, trong đó có Việt Nam, là các nhân tố nổi trội.
Giáo sư Tony Milner, giám đốc chương trình Nghiên cứu châu Á của Đại học quốc gia Australia, cho rằng về mặt thương mại, các nước ASEAN thậm chí có vai trò quan trọng với New Zealand hơn cả Mỹ hay Nhật Bản. Do đó, thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, một thành viên then chốt của ASEAN, sẽ giúp New Zealand có thêm nhiều thuận lợi trong tiếp cận thị trường 650 triệu dân của Đông Nam Á.
"Cả Việt Nam và New Zealand đều là thành viên của TPP-11. Tôi trông chờ những tăng trưởng lớn hơn nữa về thương mại giữa 2 nước, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, khi hiệp định này bắt đầu có hiệu lực", giáo sư Milner nói với Zing.vn.
Xoài và thanh long của Việt Nam hiện đã tiếp cận thành công thị trường New Zealand. Trong thời gian tới, các dòng hoa quả nhiệt đới khác của Việt Nam như chôm chôm, nhãn, vú sữa nhiều khả năng sẽ được cho phép nhập khẩu vào New Zealand, sau khi quá trình đánh giá rủi ro nhập khẩu của New Zealand kết thúc.
New Zealand và Australia hiện đều ủng hộ Việt Nam ứng cử thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không thường trực. Ngoài ra, trong các vấn đề khu vực như ASEAN và Biển Đông, cả hai đều có quan điểm tương đồng với Việt Nam. Việc Australia lần đầu tiên tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Australia một lần nữa khẳng định vị trí trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực và mong muốn thắt chặt quan hệ của Canberra với các nước Đông Nam Á. Nhà phân tích Prashanth Parameswara đánh giá trên Straits Times rằng hội nghị này sẽ tăng thêm sức nặng cho mối liên kết giữa hai bên. |