Trong phần trình bày trả lời chất vấn chiều nay (18/11), Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đã đảm nhận thành công vai trò nước chủ nhà APEC, tổ chức chu đáo các hoạt động cho chương trình đề ra và đón Nguyên thủ một số quốc gia thăm cấp nhà nước và đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng.
Thủ tướng cho biết tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết được 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang hoàn tất ký kết, phê chuẩn 2 Hiệp định và đàm phán 4 Hiệp định khác.
Việt Nam đã trở thành một mắt xích ngày càng quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế khu vực, toàn cầu, theo Người đứng đầu Chính phủ.
Cũng theo đó, thị trường xuất khẩu của Việt Nam đang ngày càng mở rộng với quan hệ thương mại khoảng 230 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Dù vậy, đất nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh thế giới biến động phức tạp. Việc thực hiện các FTA chưa đạt được mong muốn, lợi ích thu về chưa tương xứng với tiềm năng, năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh, trình độ công nghệ của doanh nghiệp còn thấp, nguy cơ “thua ngay trên sân nhà” là có thể xảy ra.
Do đó, Chính phủ sẽ chỉ đạo tập trung triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị và Quốc hội về đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
"Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, lợi ích quốc gia; chủ động có những giải pháp phù hợp, kịp thời, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982", Thủ tướng nói.
Cũng theo ông, Việt Nam sẽ phấn đấu đạt kết quả thực chất trong giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ. Tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại cấp cao. Phát huy vai trò và đóng góp của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương và hợp tác song phương.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam sẽ cùng các nước tích cực trao đổi, sớm kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); thúc đẩy, sớm ký kết, phê chuẩn FTA với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Trả lời thêm đại biểu về một TPP không có Mỹ, Thủ tướng khẳng định “nếu có Mỹ thì có lợi nhiều hơn nhưng không có Mỹ thì Việt Nam vẫn có lợi”. Bởi dù Mỹ là nền kinh tế lớn nhưng các nền kinh tế khác như Úc, Canada, Mexico cũng là thị trường lớn, cần thâm nhập. Thông qua đó, Việt Nam vẫn giải quyết được các vấn đề việc làm, xuất khẩu.
Từ đó, Việt Nam quyết tâm cùng các thành viên TPP 11 cùng thực hiện trên cơ sở cân bằng lợi ích các nền kinh tế. Với tinh thần đó, các Bộ trưởng đã ra tuyên bố chung trong đợt APEC vừa quà. Đây là tiền đề để ký TPP 11 trong thời gian tới. Đây là vấn đề hội nhập quan trọng của Việt Nam, mở ra không gian lớn về xuất nhập khẩu, giao thương quốc tế.
Ngoài ra, theo Thủ tướng dù Mỹ không tham gia TPP nhưng Việt Nam và Mỹ cũng đã ký kết hiệp định thương mại song phương, do đó thực tế vẫn đang hợp tác với Mỹ trên một số khung làm ăn.