Tại Hội nghị ASEM 12 diễn ra tại Bỉ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất, vấn đề trước mắt là sớm giảm cọ xát thương mại nhằm tiếp tục đà phục hồi và bảo đảm triển vọng tươi sáng của kinh tế toàn cầu.
Tại ngày làm việc thứ hai (19/10) của Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, các nhà lãnh đạo đã tiến hành phiên toàn thể đầu tiên về "Cùng vun đắp tương lai: Thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và kết nối bền vững".
Quan ngại về diễn biến ở biển Đông
Các nhà lãnh đạo ủng hộ mạnh mẽ thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, thương mại tự do, mở và không phân biệt đối xử, cam kết chống lại mọi hình thức bảo hộ, phối hợp giải quyết các rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế thế giới, củng cố và cải cách WTO và tăng cường phối hợp chính sách với G20 và OECD.
Hội nghị nhất trí đẩy mạnh hợp tác ASEM về thương mại và đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, đẩy mạnh hợp tác ứng phó với các thách thức từ nền kinh tế số và thương mại điện tử.
Hội nghị cũng nhất trí đưa kết nối thành trọng tâm của hợp tác ASEM trong thời gian tới với 6 lĩnh vực ưu tiên, gồm kết nối chính sách, kết nối bền vững, kết nối thương mại và đầu tư, kết nối số, kết nối con người và kết nối liên quan đến thách thức an ninh.
Cũng tại hội nghị, các lãnh đạo ASEM đã tiến hành phiên họp riêng về "Các vấn đề quốc tế và khu vực", tập trung trao đổi các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, chống chủ nghĩa khủng bố, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, an ninh hàng hải, khủng hoảng nhập cư, Trung Đông-Bắc Phi, Bán đảo Triều Tiên, Iran…
Nhiều thành viên bày tỏ quan ngại trước những diễn biến tác động đến môi trường an ninh tại châu Á, trong đó có biển Đông và biển Hoa Đông.
Hội nghị khẳng định cam kết duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không trên tinh thần tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế; giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương của Liên Hợp Quốc và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), kiềm chế không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không có các hành động đơn phương trái với luật pháp quốc tế đặc biệt là UNCLOS, cũng như thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và tự kiềm chế.
Sớm giảm cọ xát thương mại
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hòa bình, hợp tác và phát triển là dòng chảy chính của thời đại, song cộng đồng quốc tế đang chứng kiến những chuyển dịch sâu sắc và thách thức chưa từng có.
Thủ tướng đề xuất, vấn đề trước mắt là sớm giảm cọ xát thương mại nhằm tiếp tục đà phục hồi và bảo đảm triển vọng tươi sáng của kinh tế toàn cầu. Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế để tìm giải pháp hòa bình và bền vững cho các cuộc xung đột và tranh chấp ở Trung Đông, châu Phi, châu Á…
Việt Nam và các nước ASEAN đã và đang phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, trong đó có các thành viên ASEM, để duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thương mại tự do không bị cản trở ở Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải quốc tế lớn, nối giao thương Á-Âu và toàn cầu.
Theo đó, cần kiên trì thúc đẩy nỗ lực chung, tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa; giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý; kiềm chế các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình. Việt Nam đề nghị các bên tiếp tục đàm phán thực chất để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có hiệu lực.
Trước đó, tại Diễn đàn, Thủ tướng Việt Nam đã nêu lên 3 đề nghị :
Thứ nhất, Thủ tướng đề nghị tổ chức đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo các nước và cộng đồng doanh nghiệp hai châu lục trong các dịp hội nghị cấp cao ASEM để trao đổi sâu rộng các vấn đề cùng quan tâm, phù hợp với lợi ích của hai châu lục.
Thứ hai, chủ động kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, phát triển quan hệ đối tác nhằm triển khai các thỏa thuận tự do thương mại giữa các nền kinh tế hai châu lục.
Thứ ba, doanh nghiệp cần đóng góp tích cực thúc đẩy kết nối giữa con người với con người, thông qua việc nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng xã hội về tạo việc làm, bảo vệ môi trường, ứng phó với các thách thức toàn cầu, vì mục tiêu phát triển bền vững, thịnh vượng cho tất cả mọi người.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong bối cảnh thách thức ngày càng phức tạp, đan xen, đây chính là thời điểm cần tăng cường hơn nữa sự kết nối để thúc đẩy tiến trình hợp tác và liên kết Á-Âu một cách hiệu quả, phục vụ đắc lực hơn nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp hai châu lục, hướng tới sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung.
Thủ tướng gặp song phương lãnh đạo một số nước
Sau hai ngày làm việc, chiều ngày 19/10/2018, Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 đã kết thúc. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch, khẳng định quyết tâm của các thành viên ASEM tăng cường quan hệ đối tác.
Á - Âu nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu, đồng thời đề ra những định hướng nâng tầm hợp tác ASEM trong thời gian tới. Thành công của Hội nghị Cấp cao đã tạo những động lực mới cho quan hệ đối tác năng động và gắn kết Á-Âu, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của ASEM trong cục diện đang định hình.
Đối với Việt Nam, trong triển khai đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, Diễn đàn ASEM tiếp tục là cơ chế hợp tác liên khu vực quan trọng để thúc đẩy các lợi ích, quan tâm về kinh tế, phát triển và an ninh cũng như nâng cao vị thế của đất nước.
Trước đó, bên lề hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc tiếp xúc song phương với một số nhà lãnh đạo các nước: Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Slovenia Marjan Sarec, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Tổng thống Mông Cổ Khaltamaagiin Battulga, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila, Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Nga Medvedev, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker…