Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP
Phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” vừa tổ chức sáng nay 18/3, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang tập trung chỉ đạo chống dịch COVID-19, với số ca nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam gia tăng.
“Chúng ta phải quyết ngăn chặn cho được đại dịch này. Đây là nhiệm vụ trọng tâm số một của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, vì dịch ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh đi liền với đó, chúng ta cũng thực hiện nhiệm vụ kép vừa phải chống dịch tốt, vừa phải giữ ổn định đời sống nhân dân, giữ nhịp độ sản xuất cũng như các lĩnh vực xã hội khác.
Trong bối cảnh đó, hội nghị này được tổ chức nhằm thảo luận về công tác bảo đảm an ninh lương thực, một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong bất cứ hoàn cảnh nào để bảo đảm cuộc sống, nhu yếu phẩm cho người dân.
Về 10 năm thực hiện “Đề án an ninh lương thực”, Thủ tướng cho rằng nông nghiệp nói chung, đặc biệt sản xuất lương thực của nước ta đã đạt nhiều thành tựu lớn, toàn diện.
Từ một nước thiếu ăn, đến nay, bình quân lương thực đầu người của Việt Nam đã đạt 525kg và là một trong những nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. Việt Nam có loại gạo được bình chọn là ngon nhất thế giới. Từ kết quả đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận về các bài học, kinh nghiệm thành công.
Tuy nhiên, hội nghị này không chỉ nói thành tích mà còn bàn về những tồn tại, khuyết điểm, bàn về phương hướng phát triển, Thủ tướng đề nghị các đại biểu “mạnh dạn nói về các yếu kém của nông nghiệp nói chung, đặc biệt đối với an ninh lương thực nói riêng”.
Ví dụ, chúng ta xuất khẩu nông sản trong tốp đầu nhưng an ninh lương thực chỉ đứng thứ 57/113 quốc gia, mức trung bình. Về trồng lúa, mức sống nông dân đã khá hơn trước nhưng nhiều người vẫn còn nghèo, còn khó khăn. Do đó, phải chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, sản xuất lương thực một cách hợp lý. Đó là một bài toán đặt ra hôm nay.
"Ngoài việc xuất khẩu ra, chúng ta cũng đã dự trữ được trên 300.000 tấn lương thực, qua đó luôn đảm bảo lương thực cho mọi người dân trong mọi hoàn cảnh. Nếu ở đâu đó, có chuyện người dân còn bị thiếu đói, thiếu lương thực thì người đứng đầu cấp ủy chính quyền nơi đó phải chịu trách nhiệm", Thủ tướng khẳng định.
Đánh giá cao nỗ lực giữ diện tích trồng lúa của các cấp, các ngành, địa phương, Thủ tướng đặt vấn đề: “Sắp tới, giữ diện tích lương thực, diện tích sản xuất lúa ở mức nào để bảo đảm an ninh lương thực, phát huy hiệu quả của nông nghiệp nhiệt đới? Đầu tư trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến bảo quản làm sao, khi mà thất thoát sau thu hoạch còn lớn, hiệu quả xuất khẩu như thế nào?”.
Người dân mua thịt lợ tại chợ dân sinh ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).
Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn các nhà khoa học đóng góp ý kiến về các biện pháp lớn, phạm vi quốc gia với tinh thần “bảo đảm an ninh lương thực trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Trong tình hình quốc tế và biến đổi khí hậu, an ninh lương thực không chỉ là vấn đề trước mắt mà còn là vấn đề lâu dài, chiến lược. Thủ tướng nhắc lại sự việc vừa qua khi Hà Nội xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, “thị trường nhốn nháo, nhất là có việc người dân mua lương thực, mì tôm dự trữ” và khi đó, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo các công ty lương thực bảo đảm cung ứng, mở cửa bán lương thực đến 23 giờ đêm cho người dân.
"Trong tình huống đó, không có nguồn thì làm sao bảo đảm được. Vì vậy, dự trữ lương thực, ổn định trong mọi điều kiện là rất quan trọng, đây là mặt hàng chính yếu... Đừng coi thường, đừng cho đây không phải vấn đề chiến lược”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, chúng ta sống trong kỷ nguyên 4.0, tương tác với thế giới ảo, nhưng chúng ta không được “ảo” về an ninh lương thực. Đây mãi mãi là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia, nhất là trong điều kiện bất ổn chính trị, an ninh phi truyền thống, dịch bệnh xảy ra trên thế giới. Do đó, câu nói của cha ông “phi nông bất ổn” cần được quán triệt trong tình hình mới.
Đạt nhiều chỉ tiêu quan trọng Theo báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”, sau 10 năm thực hiện, Đề án đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể: 12 chỉ tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra, trong đó đáng chú ý điện tích đất lúa cả nước năm 2018 đạt trên 4,159 triệu ha (vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết là 3,76 triệu ha); sản lượng lúa năm 2019 đạt 43,4 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 41-43 triệu tấn); xuất khẩu gạo năm 2019 đạt 6,34 triệu tấn (vượt mục tiêu đề ra 4 triệu tấn). Giai đoạn 2009-2019, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 4,3 lần, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần xuống còn 1,8 lần. Nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá cao (đạt 2,61%/năm). Năng suất lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á, đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và gấp 1,5 lần so với Ấn Độ; năng suất cà phê cao gấp 1,5 lần so với Brazil, gấp 3 lần so với Colombia, Indonesia; năng suất hồ tiêu gấp 3 lần so với Indonesia và 1,3 lần của Ấn Độ; năng suất cá tra bình quân đạt 209 tấn/ha, cao nhất thế giới... Giá trị và sản lượng nhiều loại nông sản tăng mạnh (giai đoạn 2009-2019, lương thực bình quân đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm; sản lượng rau quả tăng trưởng nhanh 80,5%, từ 9,75 triệu tấn lên 17,6 triệu tấn; sản lượng trái cây tăng từ 6 triệu tấn lên 12,6 triệu tấn). Xuất khẩu hàng nông sản được tiếp tục đẩy mạnh, có 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, bình quân mỗi năm xuất khẩu khoảng 5-7 triệu tấn gạo. Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được đầu tư phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo. Việt Nam có khả năng đảm bảo tự cung lương thực với sản lượng lương thực bình quân tính trên đầu người ở mức tương đối cao (đứng thứ 6 trên thế giới). Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chưa cao, chưa bền vững nên quy hoạch sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương không ổn định, có tình trạng "được mùa - mất giá", giải cứu nông sản. Thể chế, cơ chế chính sách về đất đai còn bất cập, dẫn đến sản xuất nông nghiệp nhiều nơi vẫn còn nhỏ lẻ; chưa đáp ứng được đòi hỏi về tích tụ, tập trung ruộng đất, đang là "nút thắt" lớn nhất cho sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao của quốc tế. Tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất lương thực, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long... |