Ngày 23-8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc của Ban Cán sự Đảng Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM để góp ý dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ TP HCM nhiệm kỳ 2020-2025.
"Trải thảm" cho các nhà đầu tư
Phát biểu tại cuộc họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết đây là lần thứ 6 trong vòng 3 năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với TP HCM, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và Thủ tướng đối với TP. Sau khi Ban Cán sự (BCS) Đảng Chính phủ và lãnh đạo một số bộ cho ý kiến vào dự thảo văn kiện, báo cáo, TP sẽ hoàn thiện lần cuối để trình Bộ Chính trị cho ý kiến trong thời gian tới.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh TP HCM mong muốn nhận được những góp ý vào dự thảo văn kiện và 4 đề án về mô hình phát triển mới của TP. Đó là hình thành một khu đô thị sáng tạo phía Đông, là hạt nhân phát triển kinh tế TP; thực hiện chính quyền đô thị để quản lý TP đông dân hiệu quả, chặt chẽ; thể chế để phát triển TP HCM là một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; tỉ lệ điều tiết để vừa tăng đóng góp ngân sách trung ương vừa tăng ngân sách của TP.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, chu đáo dự thảo Báo cáo Chính trị lần 3 của Đảng bộ TP HCM. Trong kế hoạch 5 năm tới, TP cần nêu rõ vai trò đầu tàu với việc tăng trưởng nhanh và bền vững, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính, có tầm nhìn dài hơi trong việc xây dựng các kế hoạch chiến lược đến năm 2030 và có các bước chuẩn bị tiếp theo. Việc xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế phải là quyết tâm cao của TP, có chính sách để "trải thảm" cho các nhà đầu tư.
Chính phủ làm việc với lãnh đạo TP HCM vào ngày 23-8. Ảnh: QUANG HIẾU
Lựa chọn cán bộ có đức, có tài
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Báo cáo chính trị, kinh tế - xã hội được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, rà soát, hoàn thiện rất nhiều lần. Nội dung không xa rời thực tiễn, thẳng thắn, khách quan, nghiêm túc, rõ ràng cả về kết quả đạt được cũng như hạn chế, yếu kém. "Việc TP HCM chuẩn bị dự thảo báo cáo tập trung chuyên sâu về kinh tế - xã hội là một đặc sắc riêng so với các địa phương" - Thủ tướng biểu dương và cho đây là sự vận dụng sáng tạo của TP với vai trò trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước trên tinh thần "TP HCM vì cả nước, cả nước vì TP HCM". Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, kỳ vọng của cả nước đối với sự phát triển của TP HCM là rất lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng TP HCM cũng phải đặt vấn đề đổi mới sáng tạo gắn với cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với vai trò là trung tâm, đầu tàu kinh tế của cả nước, có vị thế quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và châu Á, TP HCM phải áp dụng các tiêu chí về phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030 của Liên Hiệp Quốc. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư cần thông thoáng, cởi mở, thu hút hơn. Một nguy cơ nữa là với cơ cấu dân số và tỉ lệ sinh hiện nay thì trong khoảng 15 năm tới, TP HCM sẽ đối mặt tình trạng già hóa dân số, mất cân bằng giới tính. Đội ngũ cán bộ, năng lực quản trị một TP 15 triệu dân là điểm then chốt để TP HCM có thể thành công. Lựa chọn cán bộ giỏi, vừa có đức vừa có tài để gánh vác sứ mệnh của TP là vô cùng quan trọng; phải vừa vận dụng đúng pháp luật và giải quyết được bài toán phát triển của TP.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ 4 đề án đột phá của TP HCM gồm: Điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách nhà nước cho TP HCM để TP có "chiếc bánh ngân sách" lớn hơn; thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP HCM; thành lập TP Thủ Đức; phát triển trung tâm tài chính TP HCM.
Đi đầu về đổi mới sáng tạo
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh với vai trò trung tâm, là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP HCM phải tận dụng hiệu quả cơ hội từ hội nhập quốc tế và thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng. TP cần đi đầu trong hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, do đó phải nâng tỉ lệ ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển lên 5%-7% tổng chi ngân sách hoặc 2% GRDP của TP trong 5 năm tới. Với vai trò là trung tâm của vùng thì TP HCM cũng nên dành ít nhất 5% nguồn lực, ngân sách, vốn tín dụng, đất đai để cùng các địa phương, vùng kinh tế trọng điểm giải bài toán phát triển vùng.