Tại hội nghị tổng kết cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2017 được nhiều thành tựu trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu, dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết cho biết GDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, giá trị sản xuất tăng 3,16% so với năm 2016. Nếu không bị thiệt hại nặng bởi các cơn bão 10, 12 thì khả năng đóng góp của ngành vào GDP sẽ tăng trên 3,0%. Nguyên nhân là do Bộ đã phối hợp với các địa phương, bố trí cơ cấu giống, cơ cấu sản xuất theo hướng phát huy lợi thế của địa phương, vùng miền gắn với nhu cầu thị trường và thích ứng với thời tiết khí hậu. Bên cạnh đó, Bộ cũng khuyến khích áp dụng công nghệ vào sản xuất, tăng cường kiểm dịch. Vì vậy, sản lượng nhiều loại nông sản tăng mạnh trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt, đáp ứng dồi dào nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Năm 2017 chứng kiến kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản mạnh nhất từ trước đến nay đạt 36,37 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2016. Thặng dư thương mại đạt 8,55 tỷ USD, tăng khoảng 1,1 tỷ USD so với năm 2016.
Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng cao như rau quả (40,5%), cao su (35,6%), gạo (23,2%), tôm (22,3%). Ngoài ra ngành nông nghiệp vẫn duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên, trong đó có 5 mặt hàng là tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc cho biết: "Lần đầu tiên xuất khẩu rau củ quả vượt dầu thô và gạo. Đây là con số rất đáng mừng".
Trong năm 2017, 185.700 ha đất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang các loại rau, hoa, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, mặc dù diện tích và sản lượng lúa cả năm giảm nhưng nhiều loại rau màu, cây công nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả tăng 52.500 ha và sản lượng tăng 555.900 tấn (tương đương 6,2%) so với năm 2016. Thậm chí, nhiều mô hình sản xuất rau, hoa, quả ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ đã đem lại thu nhập cao gấp 4 - 5 lần so với sản xuất lúa.
Chăn nuôi cũng đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, tăng mạnh chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao. Tại thời điểm thị trường tiêu thụ thịt lợn gặp khó khăn, Bộ NN&PTNT đã thực hiện nhiều giải pháp kích cầu, thúc đẩy tiêu thụ nên cuối năm tình hình đã được cải thiện tốt hơn. Tổng sản lượng thịt hơi đạt 5,2 triệu tấn, tăng 3,2%. Các sản phẩm giá trị cao như thịt bò, gia cầm, sữa vẫn tăng mạnh. Giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi ước tăng khoảng 2,16%, thấp hơn mục tiêu đề ra 3%.
Hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản đều tăng trưởng khá nhờ các chính sách hỗ trợ kèm theo thời tiết và ngư trường thuận lợi. Tổng sản lượng thủy sản đạt 7,24 triệu tấn, tăng 5,2% so với năm 2016. Cơ cấu các sản phẩm có giá trị cao tăng mạnh trong đó tôm các loại đạt khoảng 723,8 nghìn tấn, tăng 10,3%, cá tra đạt khoảng 1,25 triệu tấn, tăng 5%, do vậy giá trị sản xuất tăng cao, đạt khoảng 5,89%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 5%.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế đặc biệt là cơ cấu lại nông nghiệp chưa đồng đều, năng suất lao động còn thấp, hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân được cải thiện chậm. Ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết "Ngân hàng thế giới đánh giá chi phí sản xuất nông nghiệp của Việt Nam cao trong khi chất lượng nông sản thấp".
Công nghiệp chế biến chậm phát triển; công tác nghiên cứu, dự báo cung cầu thị trường còn bất cập, nên đã xảy ra tình trạng cung vượt cầu ở một số sản phẩm như thịt lợn, dưa hấu, nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ. Bên cạnh đó, việc hội nhập quốc tế sâu rộng tiếp tục đem lại nhiều thách thức cho hàng nông sản. Chẳng hạn như EU “Rút thẻ vàng” đang là thách thức lớn với thủy sản Việt Nam. Vốn đầu tư cho ngành và cho Bộ thấp hơn nhiều so với nhu cầu, nhất là vốn hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành; trong Kế hoạch trung hạn 2016-2020 một số dự án ODA thiếu vốn nước ngoài, nguy cơ bị chậm tiến độ so với Hiệp định đã ký.