Tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ban hành ngày 27/1/2023, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nêu rõ yêu cầu với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong điều hành, tạo lập nền tảng pháp lý cho thị trường vốn ngay sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023.
Cụ thể, Chỉ thị nêu rõ, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2023; quản lý chặt chẽ các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng và khai thác hiệu quả dư địa thu ngân sách nhà nước; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên.
Tiếp tục đề xuất các giải pháp phù hợp về chính sách tài khóa để góp phần tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Khẩn trương đề xuất phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trong đó lưu ý đối với nội dung chi đầu tư cần tập trung có trọng tâm trọng điểm, không dàn trải, ưu tiên cho lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hạ tầng giao thông, hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục...
Khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65 ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153 ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Ngân hàng Nhà nước chủ động theo dõi sát tình hình, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chú trọng bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng nguồn vốn tín dụng vào các động lực tăng trưởng, phát triển sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Rà soát, có biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản đối với cả doanh nghiệp bất động sản và người mua, thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản hiệu quả, cơ cấu lại và phát triển thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…; tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế "tín dụng đen".
Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động; tiếp tục phát triển mạnh các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy chuyển đổi số, bảo đảm an ninh, an toàn các hoạt động tín dụng, ngân hàng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng, các đối tác liên quan.
Yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/2/2023 phê duyệt Chiến lược, Kế hoạch đầu tư phát triển và kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm, đề án cơ cấu lại của các tập đoàn, tổng công ty thuộc phạm vi quản lý theo quy định để xem xét phê duyệt, quyết định theo thẩm quyền trong Quý I năm 2023.
Chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam khẩn trương lựa chọn nhà thầu xây lắp để khởi công công trình nhà ga hành khách thuộc Dự án thành phần 3 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong quý I năm 2023.
Chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam khẩn trương hoàn thành lựa chọn nhà thầu 03 gói thầu xây lắp và đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu còn lại của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.