Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị với lãnh đạo các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đầu tháng 8 này.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu, xem xét xây dựng kế hoạch đầu tư tổng thể các dự án giao thông trung hạn và dài hạn của vùng ĐBSCL, trong đó lưu ý khi mở thêm tuyến giao thông mới phải phù hợp với thực tế, tránh phá vỡ phương án tài chính của các dự án giao thông BOT đã triển khai trước đó, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án và khả năng trả nợ ngân hàng.
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sẽ kết nối với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ qua cầu Cần Thơ 2, nối thông toàn tuyến cao tốc từ TP.HCM đến Cà Mau. Ảnh: CK
Về đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, giao UBND tỉnh Cà Mau là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đoạn Bạc Liêu – Cà Mau.
Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tuyến đường này theo hướng điều chỉnh kỳ quy hoạch về trước năm 2030 theo đúng quy định, làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường để sớm kết nối thông suốt từ TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ – Cà Mau, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL và cả nước, báo cáo Thủ tướng trước ngày 10/9/2020.
Bộ GTVT khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 275/TB-VPCP ngày 6/8/2020, trong đó nghiên cứu đầu tư tuyến đường thành hai dự án thành phần. Trong đó, dự án đoạn Cần Thơ – Bạc Liêu bằng vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định của pháp luật.
Dự án đoạn Bạc Liêu – Cà Mau, giao UBND tỉnh Cà Mau chủ trì chuẩn bị đầu tư dự án, trong đó nghiên cứu phương án xã hội hóa đầu tư giai đoạn 2021-2025 theo quy định của pháp luật về đầu tư PPP, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9 năm nay.
Trước đó, hồi tháng 6 năm nay, tại buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ về dự án trên, đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (TCT Cửu Long) cho biết, dự án đầu tư xây dựng quy mô 4 làn xe, cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ GTVT.
Đơn vị tư vấn đã nghiên cứu 3 phương án tuyến, với chiều dài từ 130,1-135,4km, trong đó phương án 1 được đơn vị tư vấn đề xuất lựa chọn với lý do thuận lợi cho kết nối vùng vì kết nối vào các trung tâm kinh tế lớn.
Phương án này có chiều dài tuyến là 135,1km, quy mô đường cấp III đồng bằng với 4 làn xe, tốc độ tối đa 100km/h, dự kiến tổng mức đầu tư gần 47.500 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2025-2030.