Báo cáo kiểm toán năm 2020 được công bố cho biết Đức Long Gia Lai (DLG) ghi nhận khoản lỗ ròng 907 tỷ đồng sau khi đã lỗ 1,3 tỷ đồng trong năm trước.
Theo DLG, kết quả ảm đạm trong năm 2020 đến từ việc dịch Covid-19 phức tạp khiến hoạt động SXKD các công ty thành viên bị ảnh hưởng, đặc biệt là công ty Mass Noble Investments sụt giảm mạnh doanh thu so với năm trước. Bên cạnh đó, các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai.
Ngoài ra, chi phí tài chính trong năm cũng tăng mạnh hơn 437 tỷ đồng lên 824 tỷ đồng do thanh lý các khoản đầu tư cũng là nguyên nhân trọng yếu khiến công ty thua lỗ nặng nề.
Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Công ty kiểm toán AAC đã đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo hợp nhất của DLG. Cụ thể, báo cáo hợp nhất năm 2020 của DLG đã ghi nhận sự kiện thanh lý khoản đầu tư vào Công ty TNHH MTV Nông trại Cao nguyên Quảng Phú 1 (Công ty con). Tuy nhiên, theo thỏa thuận tại hợp đồng chuyển nhượng góp vốn, việc chuyển nhượng được xem là hoàn tất khi công ty mẹ hoàn thành các điều kiện đã thỏa thuận với bên mua. Cho đến thời điểm này, Công ty mẹ chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện này. Đơn vị kiểm toán cho rằng việc ghi nhận giao dịch thanh lý khoản đầu tư thay vì hợp nhất công ty con nêu trên là chưa đúng quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, kiểm toán cũng nhấn mạnh tại ngày 31/12/2020, DLG đã cho một số tổ chức, cá nhân vay hơn 2.365 tỷ đồng (tương đương 28,74% tổng tài sản) và các khoản cho vay này không có tài sản đảm bảo.
Ngoài ra, tại ngày 31/12/2020, DLG cũng chưa thanh toán hầu hết các khoản đi vay đã quá hạn trả cho các ngân hàng và trái chủ; tổng nợ phải trả ngắn hạn đã vượt giá trị tài sản ngắn hạn. Kiểm toán cho rằng các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn. Theo đó, khả năng hoạt động của Tập đoàn phụ thuộc vào hoạt động có lãi trong tương lai và/hoặc kết quả thỏa thuận với các chủ nợ về việc gia hạn/cơ cấu lại nợ gốc, nợ lãi, giảm lãi…để đảm bảo cho Tập đoàn có đủ nguồn lực tiếp tục hoạt động bình thường trong các năm tiếp theo.
Báo cáo tài chính cuối năm 2020 cho biết DLG hiện đang vay nợ gần 4.000 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 50% tổng nguồn vốn công ty.
Về vấn đề này, DLG cho biết đang làm việc với ngân hàng/chủ nợ để cơ cấu lại nợ gốc vay, giảm lãi vay nhằm đảm bảo cho công ty có đủ nguồn lực tiếp tục hoạt động bình thường trong các năm tiếp theo. Đồng thời, HĐQT và ban điều hành cũng đã xây dựng chiến lược kinh doanh mới và có phương án tái cơ cấu các lĩnh vực kinh doanh của công ty.
Cổ phiếu miệt mài tăng trần
Bất chấp kết quả kinh doanh "bết bát" cùng những nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp, cổ phiếu DLG vẫn liên tục tăng trần với thanh khoản hàng chục triệu đơn vị mỗi phiên.
Từ ngày 2/4 tới nay, DLG đã tăng trần 7 phiên giao dịch liên tiếp và cổ phiếu hiện đã lên 3.700 đồng, mức cao nhất trong gần 3 năm qua.
DLG liên tục tăng trần thời gian gần đây
Một điểm đáng chú ý, DLG thời gian gần đây cũng xuất hiện sự biến động về cơ cấu cổ đông khi hai bố con ông Nguyễn Hải và Nguyễn Đăng Quang đã gia tăng lượng sở hữu DLG lên gần 16 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 5,32%.