Các doanh nghiệp du lịch vẫn trong cơn bĩ cực, xoay xở đủ nghề để kiếm sống trong khi số ít duy trì được hoạt động tour tuyến. Nhiều đơn vị, địa phương đang nỗ lực kéo khách nội địa đi du lịch trở lại.
Thua lỗ lớn, chật vật kiếm sống
Năm nay, Covid-19 ập đến, tour quốc tế đóng cửa. Giữa tháng 8, có khách muốn đặt đào Bắc Kinh nên nhờ sếp một du lịch chuyên về thị trường Trung Quốc (đề nghị giấu tên) mua giúp, vận chuyển về bằng đường hàng không. Nhân dịp này, vị CEO công ty du lịch cũng tranh thủ kinh doanh để có thêm thu nhập.
Chuyến đầu trót lọt với 100 thùng. Song, về đến Việt Nam, do hỏng dập, hao hụt nên không đủ đào giao cho khách. Chuyến sau có khách đặt 15 thùng làm quà biếu, cô gom thêm lên 75 thùng (1 thùng 5kg, 12 quả). Nhưng, vào đúng dịp Bắc Kinh những ngày mưa to. 30% số đào hái được bị ướt, phải hong khô để đóng thùng gửi cho kịp. Đến khi nhận được, đào hỏng nhiều, lại dính mưa nên vị không đậm.
“Vì đào không đảm bảo chất lượng, tôi phải nhắn tin xin lỗi mọi người. Số đào đặt về, chỗ nào không hỏng thì người nhà, người thân cắt ra ăn trừ bữa. Bán hoa quả rủi ro lắm, tôi đang tính buôn hàng gì hạn dùng lâu lâu chút, không phụ thuộc thời tiết”, cô chia sẻ.
Vì đào bị hỏng, vị giám đốc công ty du lịch không dám giao cho khách và huy động cả nhà ăn trừ bữa (ảnh NVCC) |
Xác định kinh doanh lữ hành là lâu dài và chủ chốt, nữ CEO du lịch cho hay nhiều công ty như mình đang làm đủ nghề để vượt qua giai đoạn khốn khó này, duy trì hoạt động. Từ bán khẩu trang, làm đồ nội thất đến kinh doanh thực phẩm như bán nem, trà sữa, hoa quả, chè, cà phê, bia,... đủ cả. “Làm gì cũng được, miễn là tránh ngồi không chờ đợi, phải nuôi sống bản thân đã”, cô quả quyết.
Thực tế, hoạt động du lịch gần như tê liệt khiến các doanh nghiệp lữ hành thua lỗ lớn. Mới đây, Tập đoàn Thiên Minh vừa báo lỗ ròng 242 tỷ đồng, trong khi tháng đầu năm ngoái lãi hơn 37 tỷ. Ước tính cả năm, mức lỗ của tập đoàn có thể lên tới 500 tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, dự án Hàng không Kite Air (Cánh Diều) của tập đoàn này không thể cất cánh.
Một số công ty du lịch khác cũng thua lỗ nặng. 6 tháng đầu năm nay, Công ty cổ phần Du lịch Phú Thọ lỗ gộp hơn 144 tỷ đồng; Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH Một Thành viên lỗ trước thuế hơn 180 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc công ty AZA Travel, cho hay, du lịch bị tác động đầu tiên và nặng nề nhất do phụ thuộc diễn biến Covid-19. Khi ngành du lịch triển khai chương trình kích cầu nhưng chưa hết tháng 7 dịch bệnh tái phát, ngay lập tức toàn bộ hợp đồng du lịch, dịch vụ bị hủy ở tất cả các công ty lữ hành, gây thiệt hại cực kỳ lớn, như “cú đánh bồi”.
“90% số doanh nghiệp du lịch tiếp tục ngủ đông, cắt giảm chi phí, lao động hoặc làm nghề tay trái, không liên quan đến du lịch để có nguồn tiền chi trả cho người lao động. Nếu tiếp tục kéo dài, hàng loạt DN du lịch và khách sạn sẽ đối mặt nguy cơ phá sản. Doanh thu bằng 0, nhưng các công ty vẫn phải trả chi phí nhân công, mặt bằng”, ông Đạt nói.
Khách thường chọn du lịch biển đảo, gần gũi thiên nhiên (ảnh Ngọc Hà) |
Phụ thuộc sức cầu nội địa
Khi du lịch quốc tế còn chưa mở cửa, du lịch nội địa được xem là “cứu cánh” cho du lịch hồi sinh. Tại Việt Nam, năm ngoái 85 triệu lượt người dân trong nước đi du lịch, mang lại doanh thu 334.000 tỷ đồng, chiếm 44,3% tổng thu từ khách du lịch của cả nước.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đợt kích cầu du lịch vừa rồi đã chứng tỏ sức mạnh du lịch nội địa. Giữa tháng 5 đến giữa tháng 7, lượng khách đi du lịch bùng nổ, đạt trên 2 triệu người nên không lo du lịch chìm xuồng. Điều quan trọng là giữ được các doanh nghiệp tồn tại, khi đó du lịch có thể hồi phục nhờ thị trường nội địa.
Nói cách khác, thị trường du lịch trong nước hồi phục đến đâu là phụ thuộc vào sức cầu khách nội địa.
Thời điểm này, du lịch đang vào vào mùa thấp điểm. Doanh nghiệp vốn đã khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu nên khả năng đi du lịch bấp bênh. Chính vì vậy, các hãng hàng không, công ty du lịch, điểm đến tiếp tục tính toán giảm giá, mời kéo khách.
Đáng chú ý, nhiều hãng bay tung ra hàng loạt giá rẻ để hút khách đi du lịch. Hàng không Vietjet bán 1 triệu vé máy bay chỉ từ 10.000 đồng dành cho khách bay nội địa, trừ ngày lễ Tết, tương đương 500.000 đồng đã gồm thuế, phí.
Ngoài khai thác trở lại 6 đường bay nội địa, Vietnam Airlines cũng ưu đãi giảm sâu giá vé cho khách hàng, chỉ từ 69.000 đồng/chặng, tương đương 546.000 đồng/chặng đã gồm thuế, phí. Mức giá này áp dụng cho các đường bay Hà Nội - Chu Lai/Tuy Hòa, Vinh - Buôn Ma Thuột,... Thời gian bay từ 10/9-31/12/2020.
Bamboo Airways giảm giá trọn bộ combo bay và nghỉ dưỡng tại Nha Trang giá chỉ từ 2,45 triệu đồng/người. Từ 29/9, hãng sẽ khai thác đường bay từ thẳng Hà Nội, Vinh, Hải Phòng tới Côn Đảo, 4 chuyến/ngày, giúp du khách có nhiều sự lựa chọn hơn.
Ruộng bậc thang mùa lúa chín đang là điểm hấp dẫn du khách hiện nay |
Các công ty du lịch thì đang chào bán các tour du lịch sinh thái, về với thiên nhiên, biển đảo, du thuyền... là những phương án tối ưu nhất trong bối cảnh hiện nay.
Chẳng hạn, các tour đi Mù Cang Chải (Yên Bái), Cao Bằng, Sa Pa (Lào Cai), Hoàng Su Phì (Hà Giang) ngắm ruộng bậc thang mùa lúa chín, hay dịch vụ cho thuê các homestay, biệt thự biệt lập cho nhóm gia đình từ 10-12 người, bao luôn cả villa và tour du thuyền, các combo nghỉ dưỡng trọn gói.
Tại các địa phương, mới đây nhất, để kích cầu du lịch nội địa, tỉnh Quảng Ninh đã đồng ý miễn, giảm 50% giá vé vào điểm tham quan và lưu trú trên vịnh Hạ Long; giá vé vào Bảo tàng Quảng Ninh và danh thắng Yên Tử từ nay đến hết năm 2020.
Với mục tiêu khôi phục 90% lượng khách và doanh sau dịch, du lịch An Giang vừa bắt tay với TP.HCM và các tỉnh ĐBCSL triển khai chương trình kích cầu du lịch, thu hút du khách, nhất là dịp lễ, Tết. Các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh cũng cam kết giảm giá vé tham quan, giá dịch vụ, giá phòng,...
Khánh Hòa, địa bàn trọng điểm đón khách Nga, Trung Quốc giờ cũng dồn toàn lực ưu tiên khách nội địa. Chương trình kích cầu “Người Khánh Hòa đi du lịch Khánh Hòa” tiếp tục được đẩy mạnh. Tỉnh đặt mục tiêu quý 4 tới sẽ thu hút được 350.000 lượt khách.
Ngọc Hà