Ngày 10/12, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết đã nhận định sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế theo cách tiếp cận xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của khu vực miền Trung trên một số lĩnh vực.
Thừa Thiên - Huế đang có động lực mới để nâng cấp lên thành phố trực thuộc Trung ương
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chia sẻ: Năm 2009, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 48 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế đến năm 2020. Qua 10 năm thực hiện Kết luận số 48, Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế đạt được rất nhiều thành tích toàn diện trên các lĩnh vực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, mục tiêu lớn nhất là xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vẫn chưa thực hiện được.
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, trên cơ sở kết quả tổng kết cũng như xác định các yêu cầu và bối cảnh của giai đoạn sắp tới, Bộ Chính trị thấy rằng phải có cách tiếp cận mới, cách nhìn mới và quan điểm mới để phát triển Thừa Thiên - Huế trong thời gian sắp tới.
Vì vậy, thực hiện Chương trình làm việc của Bộ Chính trị năm 2019; Ban Bí thư thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị khóa X về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế đến năm 2020”, giao Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan thường trực giúp Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án trên. Mục tiêu tổng quát của Đề án là đánh giá 10 năm thực hiện Kết luận số 48, đề xuất Bộ Chính trị xem xét, ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với tinh thần đó, ngày 10/12 vừa qua, Bộ Chính trị đã bàn hành Nghị quyết số 54 về xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu xuyên suốt của Nghị quyết lần này là xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương nhưng trên nền tảng của phát huy các giá trị văn hóa Huế cũng như giá trị của cố đô Huế với tư cách là một cố đô di sản. Trong đó phải xác định được những giá trị văn hóa, giá trị di sản, giá trị về hệ sinh thái, giá trị của cảnh quan thiên nhiên và con người Huế.
Ông Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế chia sẻ: Sau 10 năm triển khai thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị khóa X, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đã đạt những thành quả hết sức quan trọng. Đó là thu nhập bình quân, quy mô nền kinh tế đã tăng gấp hơn 2 lần so với thời kỳ trước, đời sống của nhân dân được nâng lên từng bước, đô thị, đầu tư cơ sở hạ tầng được cải thiện…
Tuy nhiên nhìn lại chặng đường 10 năm thì vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại. Đó là quy mô nền kinh tế còn nhỏ, tốc độ tăng trưởng chưa cao, đời sống nhân dân vẫn còn khó khăn.
Nghị quyết đã tìm ra hướng đi cho định hướng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô Huế và văn hóa Huế; tiếp tục đầu tư, hình thành các trung tâm văn hóa du lịch…
Ông Nguyễn Văn Bình cho rằng: Để thực hiện được mục tiêu Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, rõ ràng phải xây dựng cho Thừa Thiên - Huế một bộ tiêu chí đặc thù. Điều này không chỉ xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành một đô thị trực thuộc Trung ương mà còn vẫn phát huy được các giá trị của di sản, các giá trị của văn hóa riêng có của Thừa Thiên - Huế. Nói một cách khác, đó là một bộ tiêu chí đặc thù cho Thừa Thiên - Huế trên cơ sở kết hợp một cách hài hòa, hợp lý giữa các tiêu chí hiện hành với các tiêu chí thể hiện nét giá trị về di sản, về văn hóa của Thừa Thiên - Huế.
Bày tỏ vui mừng trước việc Bộ Chính trị ra một Nghị quyết riêng cho Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế khẳng định sẽ tuyên truyền phổ biến, tạo sự đồng thuận trong đảng bộ và nhân dân trong việc thực hiện chủ trương chuyển Thừa Thiên - Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương; tập trung xây dựng quy hoạch tốt để thu hút được nhiều nhà đầu tư có chất lượng; điều chỉnh lại địa giới của Huế, của các địa phương…
“Một số lĩnh vực Thừa Thiên - Huế tập trung là phát huy những giá trị riêng có của địa phương. Đồng thời xây dựng du lịch là thế mạnh, y tế là ngành kinh tế quan trọng, công nghiệp luyện kim, chế tạo, công nghệ cao và nông nghiệp sạch để phát triển Thừa Thiên - Huế, hướng tới xã hội bình yên và chính quyền thân thiện. Đó là những bước đi sẽ tập trung trong thời gian tới”, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.