Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Bộ NN-PTNT), năm 2010, từ Dự án quản lý nghề cá lưu vực sông Mê Công đã xác định được 195 loài cá thuộc 98 giống, trong 32 họ, 12 bộ ở khu hệ cá trên sông Sêrêpốk.
Trong đó, có 34 loài cá được xác định là loài kinh tế, có sản lượng cao, chất lượng tốt, được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên hiện nay, những loài cá mang tính đặc sản cho vùng Tây Nguyên đang trong tình trạng bị đe dọa tuyệt chủng, trong đó có loài cá rô cờ.
Cá rô cờ - loài cá quý hiếm, có giá trị kinh tế cao
Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã thu gom ngoài tự nhiên (sông Sêrêpốk, hồ thủy điện Sê San 4) khoảng 200 kg cá rô cờ, cỡ cá ≥ 0,3 kg/con. Sau khi thu gom, cá được đưa vào thuần hóa và nuôi dưỡng trong ao tại xã Hòa Khánh – Thành phố Buôn Ma Thuột và nuôi lồng tại huyện Krông Bông.
Tuy nhiên, trong giai đoạn thuần hóa và nuôi dưỡng, cá bị hao hụt rất cao (khoảng 39%). Nguyên nhân là do cá thu gom, đánh bắt nên xây xước, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe đàn cá.
Sau 07 tháng thuần hóa và nuôi dưỡng, nhóm thực hiện đề tài đã lựa chọn 132 cá thể khỏe mạnh, không dị hình để xây dựng đàn cá bố mẹ. Nghiên cứu về đặc điểm sinh sản nhân tạo có dùng kích thích LHRH-A + Dom với tỷ lệ đẻ đạt 66,7%, sức sinh sản thực tế 1.740 trứng/kg cá.
Kiểm tra cá bố mẹ tại xã Hòa Khánh, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Kết quả nghiên cứu đề tài đã khẳng định cá rô cờ sau khi thuần hóa áp dụng nuôi trong ao đất hoặc lồng bè; cá sử dụng tốt các loại thức ăn như: thức ăn công nghiệp, cá tạp, ngô nấu chín, rau và các loại quả. Bên cạnh đó, cá rô cờ hoàn toàn nuôi vỗ để cho sinh sản bằng tự nhiên hoặc nhân tạo trong ao nuôi. Cá có chất lượng thịt ngon, dinh dưỡng cao và còn là loài được người dân sử dụng nuôi làm cảnh.
Từ kết quả đề tài sẽ góp phần cho địa phương có thêm đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế thay thế cho các đối tượng truyền thống. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nhà. Đồng thời là tiền đề hướng đến việc tạo ra một sản phẩm thủy sản đặc trưng vùng miền mang giá trị kinh tế cao theo chương trình mục tiêu quốc gia mỗi xã một sản phẩm – OCOP.