2 rủi ro
Pháp lý và dư cung là những rủi ro đến từ thị trường nội địa mà các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thường xuyên gặp phải, theo VDSC.
Thiếu hụt cá giống và cá tra gây ra sự tăng vọt đáng kể về giá kể từ đầu năm 2017. Nhiều nông dân đang đổ xô nuôi cá giống và cá nguyên liệu, và điều này có thể dẫn đến tình trạng cung cá nguyên liệu dư thừa khi nhiều trang trại cùng bước vào mùa thu hoạch. Giá bán cá nguyên liệu cho các nhà máy có thể lao dốc.
Các trang trại có thể chịu thiệt hại lớn và ngừng thả giống cho mùa vụ tiếp theo, điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trong các vụ mùa tiếp theo, VDSC cảnh báo.
Ngoài ra, bất ổn chính trị ở châu Âu có thể khiến Hiệp định EVFTA bị trì hoãn.
Nhiều nông dân đang đổ xô nuôi cá giống và cá nguyên liệu, và điều này có thể dẫn đến tình trạng cung cá nguyên liệu dư thừa khi vào vụ thu hoạch.
Thuận lợi
Theo VDSC, nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn căng thẳng, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng thị phần xuất khẩu cá tra vào Mỹ, thay thế cho cá rô phi Trung Quốc vốn đang chiếm 40% trong tổng sản lượng cá nhập khẩu của Mỹ.
Trong đó, các rào cản ở Mỹ đã giảm bớt. Việt Nam vượt qua các cuộc kiểm tra thực địa của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), bước quan trọng nhất trong quy trình đánh giá tương đương ban đầu được thiết lập bởi Cơ quan Kiểm định và An toàn Thực phẩm Mỹ (trực thuộc USDA). Ngoài ra, thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với cá tra trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 14 (POR 14) thấp hơn đáng kể so với POR 13. Nhờ đó, khối lượng xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ tăng mạnh trong năm 2019, VDSC dự báo.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có thể được phê duyệt vào đầu năm 2019. Nếu EVFTA được phê duyệt, thuế nhập khẩu sẽ được giảm từ mức hiện tại 5,5% xuống 0% trong 3 năm đối với cá philê đông lạnh và từ 7% xuống 0% trong 7 năm đối với cá philê đã chế biến. VDSC cho rằng nhu cầu về cá tra tại EU được kỳ vọng sẽ tăng mạnh.
Đối với thị trường Mỹ và EU, tiềm năng lớn gia tăng lợi nhuận với các sản phẩm có giá trị cao. Các sản phẩm ăn liền và nấu sẵn được ưa chuộng nhất tại hai thị trường này, nơi khách hàng có thu nhập cao. Tỷ suất lợi nhuận gộp của các sản phẩm này là 22 - 25%, so với 12 - 16% của philê đông lạnh.
Ngoài ra, dân số thế giới sẽ vượt 8,5 tỷ người vào năm 2030. Tuy nhiên, ngành đánh bắt cá từ tự nhiên sẽ không tăng trưởng để đảm bảo đa dạng sinh học. Tỷ lệ cá nuôi trong tổng nguồn cung cấp cá sẽ tăng từ 47% trong năm 2016 lên 54% vào năm 2030. Các công ty sản xuất cá tra như Vĩnh Hoàn sẽ có cơ hội lớn để mở rộng sản xuất, theo VDSC.
Về những lợi thế ở trong nước, Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam có điều kiện sinh thái thuận lợi cho việc nuôi cá tra quy mô lớn. Điều kiện tự nhiên kết hợp với công nghệ canh tác tiên tiến cho ra sản phẩm cá tra thịt trắng, là lựa chọn yêu thích của người tiêu dùng. Các nhà sản xuất cá tra chính khác như Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan và Indonesia đang sản xuất cá tra thịt vàng có giá trị thấp và khối lượng chỉ đủ đáp ứng cho nhu cầu trong nước.