Việc sớm phân bổ cũng là điều kiện quan trọng để thúc đẩy giải ngân, tránh dồn áp lực vào những tháng cuối năm. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm nay theo Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Số vốn được giao năm nay là gần 11.000 tỷ đồng, cao gấp 2,7 lần so với năm 2022. Ngay sau khi được phân bổ, Ban Quản lý dự án 6 đã lập tức yêu cầu các nhà thầu bắt tay ngay vào việc để giải ngân càng sớm càng tốt.
"Có cơ sở để yêu cầu các đơn vị thi công đẩy nhanh huy động nhân lực, nguồn lực, máy móc thiết bị để triển khai thi công ở hiện trường và ngay khi có sản lượng có thể kịp thời giải ngân cho các đơn vị", ông Giản Viết Quang, Phụ trách phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban Quản lý dự án 6, Bộ Giao thông Vận tải, cho biết.
Nhờ vào việc được phân bổ sớm khoảng 11.000 tỷ đồng, trong tháng đầu năm, Ban Quản lý dự án 2 đã giải ngân ngay được 500 tỷ đồng.
"Bám sát hiện trường để thúc đẩy việc triển khai những khối lượng công việc trên hiện trường, đảm bảo tiến độ cũng như giá trị để nghiệm thu thanh toán và có thể giải ngân", ông Lê Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2, Bộ Giao thông Vận tải, cho hay.
Năm nay, với số vốn khổng lồ, ngành giao thông sẽ phải giải ngân trung bình mỗi tháng hơn 7.800 tỷ đồng. Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ phải có kịch bản điều hành kế hoạch một cách linh hoạt.
"Một khối lượng lớn như thế không thể dồn được vào một hoặc hai dự án cả mà phải có điều hành rất linh hoạt và điều hành ngay từ các dự án có giải ngân chậm sang dự án giải ngân tốt hơn và có điều kiện giải ngân tốt hơn", ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, thông tin.
Vốn đầu tư công của năm nay tập trung nhiều nhất cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Do vậy, để giải ngân được giá trị lớn hơn, Bộ Giao thông Vận tải cũng triển khai thêm phương pháp mới là chọn ra một số đoạn tuyến thuận lợi để tập trung nhiều mũi công việc cùng lúc, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng cho toàn dự án.