Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Tổng cục Hải quan Trung Quốc; cùng các điểm cầu tỉnh thành phía Nam Việt Nam có lượng lớn nông sản, thủy sản xuất khẩu.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, thực hiện tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, hai bên đã nhất trí áp dụng các biện pháp thiết thực nhằm tthúc đẩy xuất nhập khẩu nhiều hơn nữa các sản phẩm nông sản, thực phẩm chất lượng cao của cả hai nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thời gian qua đã luôn chủ động hợp tác và phối hợp với Bộ Nông nghiệp, Tổng cục Hải quan Trung Quốc để đảm bảo thương mại các mặt hàng nông lâm thủy sản giữa hai nước được thông suốt và đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về mặt an toàn thực phẩm của người tiêu dùng Việt Nam - Trung Quốc.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh và mong muốn các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và các tỉnh biên giới của Việt Nam tiếp tục có những phối hợp, đẩy mạnh thúc đẩy hơn nữa giao thương nông sản thực phẩm Việt Nam - Trung Quốc, qua đó ổn định và phát triển một thị trường bền vững, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế xã hội mỗi nước.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại “Hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt-Trung trong bối cảnh mới”. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
Hai bên phối hợp xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt những vướng mắc, phát sinh trong triển khai, đáp ứng các quy định về xuất khẩu sản phẩm nông sản, thực phẩm theo các Quy định, điều lệnh hiện có. Đồng thời mong muốn các hiệp hội, ngành hàng luôn là người bạn, giúp cho Bộ Nông nghiệp có những sáng kiến, kế hoạch, chương trình để định hình thông thương biên mậu Trung Quốc trong thời gian tới. Đặc biệt, qua hội nghị, cơ quan quản lý chuyên ngành của hai bên đề xuất với Chính phủ ban hành các chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản, thực phẩm.
Thời gian qua, Việt Nam luôn duy trì vị thế đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và lớn thứ 6 trên toàn cầu. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam; trong đó, phải kể đến các mặt hàng hoa quả như thanh long chiếm 90% lượng xuất khẩu ra nước ngoài, vải thiều chiếm 80% lượng xuất khẩu. Đặc biệt, Trung Quốc còn là thị trường xuất khẩu lớn nhất mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn với tỷ trọng 91,4%...
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam - Trung Quốc đạt 14,2 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2021; trong đó, Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc đạt 10,4 tỷ USD, tăng 10,4% so với năm 2021. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 3,79 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm 2021.
Năm 2023, dự báo bên cạnh những cơ hội, thuận lợi khi tình hình thông quan hàng hóa nông sản qua cửa khẩu biên giới Việt - Trung được cải thiện, có rất nhiều các khó khăn thách thức trong bối cảnh mới cần trao đổi, tháo gỡ như xu hướng giảm cầu, một số mặt hàng có tiềm năng chưa được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc như bưởi, bơ, na, roi, dừa, thảo quả, dứa, sứa muối; thông tin thị trường, thông quan chưa chuyển tải kịp thời, tổ chức kết nối sản xuất với thương lái, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chưa chặt chẽ...
Tại hội nghị, các đại biểu đã thông tin tình hình hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, hợp tác thúc đẩy giao thương, vấn đề kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm xuất khẩu, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng, những vướng mắc tồn tại trong xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc…; đồng thời đưa ra những kiến nghị, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hạn chế còn tồn tại trong xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu.
Chia sẻ về hợp tác phát triển giao thương với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2022, kim ngạch thương mại giữa tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và Việt Nam là hơn 29,2 tỷ USD, chiếm 95% kim ngạch thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc, điều này cho thấy vai trò quan trọng của Quảng Tây trong thương mại song phương từ hai phía.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã có những biện pháp để tạo thuận lợi thông quan các cửa khẩu biên giới như thúc đẩy hợp tác với tỉnh Quảng Tây thông qua việc ký kết hợp tác, duy trì cơ chế trao đổi thông tin, thúc đẩy mở các cặp cửa khẩu, lối mở biên giới...
Qua đây, Bộ Công Thương đề xuất kiến nghị với các địa phương tiếp tục tăng cường trao đổi, hợp tác với phía Quảng Tây trong vận hành cửa khẩu; tiếp tục tăng cường thông tin về tình hình thông quan hàng hóa với các bộ, ngành và địa phương; nghiên cứu biện pháp liên kết vùng, các trung tâm logistics, trung tâm hỗ trợ giữa các địa phương cũng như coi trọng hơn nữa phát triển thị trường trong nước…
Về giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm, ông Lỗ Xiêm - Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho hay, thời gian tới Tổng cục Hải Quan Trung Quốc sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị chức năng phía Việt Nam để rà soát hồ sơ các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Trong số đó, đặt việc phải đảm bảo các điều kiện, quy trình chế biến, làm sạch cũng như truy xuất nguồn gốc xuất xứ...; do vậy, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cần nắm rõ các quy trình, quy định cũng như biện pháp kiểm tra, giám sát thực phẩm để quy trình thông thương diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.
Liên quan đến vấn đề tiêu thụ nông sản xuất khẩu, ông Vương Kiến Ba, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Tây (Trung Quốc) cho biết, Việt Nam đang có rất nhiều loại nông sản, thủy sản có tiềm năng để xuất khẩu sang thị trường Quảng Tây nói riêng và cả Trung Quốc nói chung như cà phê, hạt điều, các loại hải sản… bởi nhu cầu tiêu dùng những mặt hàng trên tại Trung Quốc đang rất lớn.
Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh thương mại điện tử bởi Trung Quốc đang sử dụng rất nhiều ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu chế biến các sản phẩm nông, thủy sản đông lạnh để xuất khẩu; đồng thời các địa phương biên giới tăng cường kết nối hạ tầng.
Với tỉnh Lạng Sơn, sau gần 3 năm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát tốt việc phòng, chống dịch, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hạ tầng cửa khẩu, đặc biệt đã đưa nền tảng cửa khẩu số vào hoạt động tại cửa khẩu Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh đã phát huy hiệu quả rõ rệt, minh bạch hóa các quy trình, tiết giảm tối đa chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp.
Quang cảnh “Hội nghị thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt-Trung trong bối cảnh mới”. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt khoảng 3,1 tỷ USD (trong đó xuất khẩu đạt trên 940 triệu USD, nhập khẩu đạt trên 2,1 tỷ USD).
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, mặt hàng nông sản, trái cây xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 80% tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Điển hình là các trái cây chủ lực như thanh long, xoài, mít, vải, dưa hấu, chuối và các loại nông sản khô như Thạch đen, tinh bột Sắn... Các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu có phát sinh, nhưng chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh, Lạng Sơn luôn xác định rõ trách nhiệm đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước qua các cửa khẩu. Cùng đó, luôn nhất quán chủ trương tạo điều kiện thuận lợi nhất để xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh văn minh, đồng bộ, thân thiện cho các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn.
Theo ông Hồ Tiến Thiệu, thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục triển khai nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế của đất nước.