Thành công trước đây của Việt Nam chủ yếu dựa vào giảm chi phí thương mại thông qua việc cắt giảm thuế quan, tuy nhiên đến nay quá trình này đã đạt giới hạn. Để tiếp tục duy trì thành công, Việt Nam cần tập trung vào giảm chi phí thuế quan, gồm chi phí tuân thủ hành chính trước và tại cửa khẩu và chi phí logistics, theo quan điểm của ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB).
Thưa ông, vấn đề chi phí thương mại tại Việt Nam vẫn được đánh giá còn rất cao so với nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả so với các nước trong khu vực. Cụ thể theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) thì thế nào?
Nghiên cứu của WB cho thấy, chi phí thương mại của Việt Nam hiện nay cao hơn mức trung bình của Asean-4. Trong đó, thời gian tuân thủ thủ tục hành chính nhập khẩu của Việt Nam là 76 giờ, cao hơn đáng kể so với Trung Quốc (54 giờ) và Asean-4 (28 giờ).
Thời gian tuân thủ thủ tục cửa khẩu cho nhập khẩu của Việt Nam là 56 giờ, tức bằng mức trung bình Asean-4 và thấp hơn Trung Quốc (72 giờ). Thời gian tuân thủ kể cả thủ tục hành chính và thủ tục tại cửa khẩu cho xuất khẩu của Việt Nam đều cao hơn Trung Quốc và Asean-4.
Đặc biệt, chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% so với GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Đây là các mức khá cao so với các nước trên thế giới.
Lâu nay chi phí logistics của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, tuy nhiên phần lớn các doanh nghiệp logistics Việt Nam vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh rất kém, vậy theo ông cần làm gì để cải thiện điểm yếu, phát huy lợi thế?
Điểm mạnh của các doanh nghiệp logistics Việt Nam là gần với chủ hàng nhất nên có nhiều lợi thế. Cái mà họ không có lợi thế đó là ngành logistics đòi hỏi quy mô vốn, quy mô kiến thức cao. Thiếu kiến thức là điểm yếu nhất của logistics Việt Nam.
Vì thế, theo tôi, việc đầu tiên các doanh nghiệp logistics Việt Nam nên nghĩ tới việc liên kết liên doanh, phối hợp với chủ hàng để tạo quy mô lớn hơn.
Hiện cơ hội rất lớn với ngành dịch vụ logistics ở Việt Nam nhất là khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt khi Việt Nam đang nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam nên có kế hoạch, chiến lược đào tạo nhân lực logistics vì đây không phải là ngành chân tay mà nó đòi hỏi trí tuệ.
Về chính sách, tôi cho rằng một hành động cần được ưu tiên để giải quyết các thách thức đối với ngành logistics là xây dựng Hệ thống thống kê logistics nhằm thu thập, xử lý và báo cáo chính thức về một cơ sở dữ liệu logistics đáng tin cậy. Bởi đây là vấn đề yếu nhất của logistics ở Việt Nam hiện nay.
Hệ thống quản trị dữ liệu quốc gia về logistics phải minh bạch, công khai, không chỉ cung cấp cho việc hoạch định chính sách mà còn giúp các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics cũng như người sử dụng dịch vụ này có cơ sở phát triển các chiến lược kinh doanh của mình.
Để xây dựng thành công hệ thống này, cần học tập kinh nghiệm quốc tế và nỗ lực hợp tác giữa Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan và các doanh nghiệp logistics.
Trong các loại dịch vụ vận tải kết nối của Việt Nam, đường thủy, đường sắt là lợi thế của Việt Nam. Vậy giải pháp đặt ra thế nào biến tiềm năng thành lợi thế thực sự, thưa ông?
Tôi cho rằng kết nối đa phương thức vận tải là rất quan trọng nhưng nó không phải là cộng số học các loại vận tải này mà nó phải được kết hợp với nhau một cách thông minh theo cách thức giảm vận tải rỗng, đồng thời nâng cao được hiệu quả vận chuyển cũng như giảm được chi phí logistics.
Điều quan trọng hơn nữa, đó là sự phối hợp vận tải đa phương thức phải được kết hợp với cách thức nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng của Việt Nam giúp doanh nghiệp Việt Nam kết nối được với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và kết nối được với chuỗi cung ứng toàn cầu. Để làm được điều này không chỉ với doanh nghiệp mà còn đòi hỏi nỗ lực chỉ đạo từ phía Chính phủ.
Ông đã nói rằng cần phải tập trung vào một đầu mối và mang tính chất quốc gia, tuy nhiên hiện nay trong logistics có sự tham gia của rất nhiều bộ ngành. Vậy cụ thể ở đây là gì?
Chúng ta thấy rằng Ủy ban một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại đã được hình thành, đây là cơ sở rất tốt cho quản trị và thúc đẩy cải cách trong tạo thuận lợi thương mại và logistics. Tuy nhiên trong tương lai tôi cho rằng, cần mở rộng chức năng để bao trùm cả lĩnh vực phát triển logistics.
Lập văn phòng thường trực có năng lực để điều phối các hoạt động của Ủy ban. Đồng thời, thiết lập cơ chế đảm bảo trách nhiệm giải trình của các cơ quan liên quan về thực hiện kế hoạch giảm chi phí thương mại đã định. Và cho phép có đại diện của khu vực tư nhân tham gia trong vai trò thành viên.
Cũng như cần có cơ chế điều phối liên ngành giữa các cơ quan của các bộ ngành nhằm giải quyết vấn đề giảm chi phí cũng như tạo thuận lợi thương mại, nâng cao năng lực xuất nhập khẩu quốc gia.