Số liệu thống kê cho thấy, thị trường M&A 10 năm qua, dễ dàng nhận thấy, nếu như năm 2009, tổng giá trị thương vụ M&A mới chỉ đạt 1,1 tỷ USD thì đến cuối năm 2018, con số này đã đạt mốc 10,2 tỷ USD, đưa tổng giá trị thương vụ trong 10 năm lên khoảng 55 tỷ USD.
Không chỉ đạt kỷ lục về tổng giá trị, số lượng các thương vụ cũng tăng lên rất nhanh, diễn ra trên mọi khu vực doanh nghiệp: tư nhân, đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn nhà nước; thu hút sự tham gia không chỉ các nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp trong và ngoài nước mà còn có sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp công nghệ...
Theo dự báo của Nhóm nghiên cứu Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF Research) và Trung tâm Nghiên cứu đầu tư và mua bán, sáp nhập (CMAC), giá trị M&A năm 2019 sẽ ở quy mô 6,7 - 6,8 tỷ USD, tương đương 88 - 90% giá trị M&A năm 2018. Kết quả này, dù có giảm nhưng trong 3 năm liên tiếp 2017 - 2019, quy mô thị trường trung bình mỗi năm đã ở mức 7 tỷ USD, cao hơn giai đoạn 2014 - 2017 với quy mô 5 tỷ USD.
GS Jarrard Harford, Trưởng khoa Tài chính và kinh doanh, Đại học Washington (Mỹ) cho rằng, thị trường M&A của Việt Nam là thị trường hấp dẫn trong khu vực đối với các nhà đầu tư nhờ sức hấp dẫn từ quy mô và sự năng động của thị trường.
Để thúc đẩy thị trường này, ông Phạm Xuân Hoè, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng các ngân hàng cần tích cực đẩy mạnh sự tham gia vào thị trường này.
Bởi theo ông, ngân hàng là "dân" tài chính nên khả năng "soi" một số chỉ số về năng lực tài chính của doanh nghiệp như tỷ lệ nợ, đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp... rất tốt. Vì vậy, ngân hàng sẽ giúp doanh nghiệp được mua lại hoạt động tốt hơn nhờ quản trị tốt hơn về tài chính.
"Ngân hàng có thể tư vấn cho doanh nghiệp trong quá trình phát hành cổ phần ra bên ngoài, thậm chí là có thể bảo lãnh phát hành cho doanh nghiệp. Ở Việt Nam, các ngân hàng đã kết hợp với các công ty chứng khoán để thực hiện. Việc này cần được thúc đẩy hơn nữa trong tương lai", ông Hoè nói.
Hơn nữa, theo vị này, quá trình xử lý nợ xấu của ngân hàng cũng là quá trình làm M&A nếu ngân hàng thực sự tư vấn tốt để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Theo đó, ngân hàng ban đầu có thể nắm giữ vai trò quản trị, củng cố doanh nghiệp để sau đó bán lại cho những đối tác khác. Như vậy, ngân hàng có thể chuyển nợ sang nhà đầu tư tốt hơn.
Thậm chí, nếu quá trình M&A tốt, các ngân hàng có thể xem xét cho đối tác khác mua lại chính doanh nghiệp mình đang nắm giữ cổ phần. Điều này, theo ông Hoè, chính là thương vụ nhà đầu tư Thái Lan mua lại Sabeco vừa qua.
"Lúc đầu, chúng ta tưởng rằng nhà đầu tư Thái Lan mua cổ phần bằng nguồn tiền của họ. Nhưng thực chất, nguồn vốn này được vay từ ngân hàng. Thế giới họ đã làm, Việt Nam chúng ta có thể cân nhắc", ông Hoè nhận định.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, hiện nay, sự tham gia của ngân hàng vào quá trình M&A vẫn còn hạn chế. Bởi theo Luật Các tổ chức tín dụng, các ngân hàng không được nắm giữ quá 10% cổ phần biểu quyết của doanh nghiệp. Lý do là bởi cơ quan quản lý lo ngại ngân hàng sẽ thôn tín, doanh nghiệp dần xa rời lĩnh vực của mình, tạo ra tư bản tài chính, lũng đoạn thị trường.
Theo đó, vị chuyên gia này đề nghị, trong thời gian tới, các ngân hàng cần đẩy mạnh việc kết hợp với các công ty tư vấn chứng khoán để hỗ trợ quá trình M&A, để thị trường M&A của Việt Nam sớm bùng nổ, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang có nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng.
Đó là việc Chính phủ đang hoàn chỉnh các luật liên quan đến đầu tư - kinh doanh như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Xây dựng... Các luật này sẽ sớm được sửa đổi để tháo gỡ các vướng mắc, xoá bỏ chồng chéo, cắt giảm chi phí thủ tục tham gia thị trường, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.
Một số luật mới sẽ được xây dựng và ban hành như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư theo hình thức công tư PPP... sẽ tạo khung pháp lý vững chắc hơn nữa cho sự tham gia của khu vực tư nhân trong các lĩnh vực đầu tư kinh doanh.