Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Ban Tổ chức T.Ư cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 phải gắn với việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 để giải quyết vấn đề thanh lọc, giải quyết bớt những cán bộ yếu kém, không đáp ứng yêu cầu.
Hài hòa giữa công việc chung và lợi ích riêng
Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 được ban hành đến nay chưa đầy một năm nhưng ở nhiều địa phương, đơn vị đã có những bước đi khá cụ thể. Ông đánh giá thế nào về kết quả của việc này?
Hai nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 gồm Nghị quyết 18 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết 19 về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của T.Ư, vì chúng ta cũng đã nhiều lần kiện toàn, sắp xếp bộ máy rồi tinh giản biên chế nhưng thực tiễn cho thấy hiệu quả thấp. Đến giờ mới thấy rằng, nếu không tiếp tục kiện toàn cho tinh gọn, hoạt động cho hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế thì không có một nền tài chính nào có thể đáp ứng được.
Phải khẳng định rằng, trong nhiều Nghị quyết T.Ư từ trước đến nay, Nghị quyết T.Ư 6 dù mới ban hành, nhưng thực tế cho thấy, Nghị quyết đã đi ngay vào cuộc sống. Các bộ, ngành địa phương đều triển khai tích cực, quyết liệt, mạnh mẽ và đã có kết quả, con số cụ thể, có hiệu quả rõ ràng chứ không phải nói chung chung.
Qua việc sắp xếp tổ chức bộ máy này, chúng ta sẽ xây dựng vị trí việc làm cho từng cán bộ. Đây chính là cơ hội để chọn lựa, sắp xếp lại cán bộ, loại bỏ những người yếu kém không đáp ứng nhu cầu.
Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế chưa bao giờ là một việc dễ dàng, bởi điều này liên quan đến con người. Với kinh nghiệm của một người làm công tác tổ chức cán bộ, theo ông, quá trình triển khai các nghị quyết của Đảng nên lưu ý những vấn đề gì?
Khi sắp xếp tổ chức bộ máy cần chú ý 2 điều. Trước hết, phải chuẩn bị, tính toán kỹ, coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để mọi người, đặc biệt là những tổ chức cá nhân liên quan thống nhất cao việc phải làm, không làm không được. Nhưng làm phải có kế hoạch rất chi tiết, có lộ trình, có bước đi cụ thể, làm cái gì trước, làm cái gì sau, làm đến đâu, công tác chuẩn bị phải chu đáo, cẩn thận.
Mặt khác, cần nghiên cứu để có cơ chế chính sách hợp lý. Như Đà Nẵng, Vĩnh Phúc vừa rồi nghiên cứu chế độ, với cán bộ nào nghỉ hưu trước tuổi thì Nhà nước hỗ trợ, tạo thêm điều kiện để chuyển đổi sản xuất và chuyển đổi công việc. Cả cá nhân, tổ chức và Nhà nước phải cùng có trách nhiệm mới có thể thành công.
Sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế là động chạm đến con người, mà con người thì còn liên quan đến gia đình, vợ con, nhiều tâm tư tình cảm. Vì thế, phải giải quyết cho hài hòa giữa lợi ích cá nhân và tập thể, giữa công việc chung và lợi ích riêng, có vậy mới tạo được sự thống nhất cao về ý chí, nhận thức và hành động.
Có cơ chế khen thưởng, kỷ luật người đứng đầu
Giảm đầu mối, tổ chức, cấp trung gian cũng đồng nghĩa sẽ giảm được lãnh đạo, cấp phó, nhưng việc chọn người để giảm cũng không phải dễ dàng, thưa ông?
Đúng là giảm tổ chức thì giảm lãnh đạo. Thậm chí, chưa giảm tổ chức đã cần giảm lãnh đạo vì thực tế có những nơi quá nhiều lãnh đạo, có phòng 5 người có đến 3 lãnh đạo, thậm chí 4 lãnh đạo, 1 chuyên viên. Bây giờ nếu hợp nhất 2-3 đơn vị, số lãnh đạo càng nhiều nên phải sắp xếp tổng thể. Ví dụ, một phòng có 5 phó phòng nhưng theo yêu cầu chỉ được 3 phó phòng, dư 2 người. Một đồng chí từ giờ đến cuối năm đến tuổi nghỉ hưu thì quá độ đi một chút, cái đó cũng là điều bình thường. Còn 1 đồng chí khác thì xem chỗ nào đang thiếu có thể xem xét, sắp xếp bố trí sang.
Làm việc này phải rất thận trọng, chắc chắn nhưng không được trì trệ, phải có bước đi phù hợp với từng cơ quan, tổ chức, làm sao cho hiệu quả. Đặc biệt, làm sao để anh em trực tiếp liên quan cảm thấy thoải mái; phải giải thích, đả thông tư tưởng, nếu có thể thì hỗ trợ thêm cho anh em cả về vật chất lẫn tinh thần.
Lâu nay chúng ta vẫn thực hiện tinh giản biên chế nhưng thực tế cứ giảm chỗ này lại phình chỗ kia, giảm được đầu mối nhưng biên chế không giảm, thủ tục hành chính cũng vẫn như cũ... Lần này, để đạt hiệu quả thực chất thì giải pháp quan trọng nhất là gì?
Ngoài những nội dung đã đề cập, liên quan đến công tác tổ chức lãnh đạo phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp uỷ Đảng, phải nêu cao vai trò lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, của các cơ quan Nhà nước và tổ chức chính trị xã hội. Đặc biệt, phải nhấn mạnh đến vai trò của người đứng đầu. Lần này Nghị quyết T.Ư cũng nói rất rõ, nơi nào làm tốt sẽ có biểu dương, khen thưởng thích đáng. Những nơi nào không làm, trì trệ phải có chế tài. Đó cũng là một biện pháp thực hiện.
Như trước đây anh làm tốt hay làm dở cũng vậy, làm vừa vừa cũng bình quân như nhau nên không tạo động lực, không khuyến khích được người làm tốt và không có biện pháp đối với người làm việc không đến nơi đến chốn.
Việc đặt ra cơ chế khen thưởng, kỷ luật với người đứng đầu Bộ, ngành địa phương trong sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế có ý nghĩa thế nào, thưa ông?
Ở đây, bản chất của việc này chính là để khắc phục tình trạng lâu nay chúng ta chưa làm được. Lâu nay Nghị quyết đề ra như vậy nhưng nơi thực hiện quyết liệt, có hiệu quả lại không được biểu dương, khen thưởng, đánh giá không rõ ràng. Nơi làm không tốt, trì trệ, thậm chí không làm cũng không bị phê bình, nhắc nhở.
Giờ phải rút kinh nghiệm việc đó, thưởng phạt phải công minh. Làm tốt có khen thưởng, biểu dương, thậm chí đưa vào coi đây là tiêu chí đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ. Vai trò người đứng đầu rất quan trọng. Cấp trên, người đứng đầu gương mẫu, cán bộ cấp dưới cũng sẽ noi theo.
Sẽ không còn chuyện "đúng quy trình mà chọn sai người"
Tại hội nghị của Bộ Nội vụ lấy ý kiến về việc sáp nhập huyện, xã, một số lãnh đạo địa phương chia sẻ băn khoăn trước tình trạng "chưa sáp nhập đã chạy chọt". Ông có nghĩ đây sẽ là một trở ngại?
"Nếu thực hiện quyết liệt theo đúng tinh thần Nghị quyết T.Ư đề ra thì bộ máy sẽ tinh gọn hơn, chức năng, nhiệm vụ sẽ không còn bị chồng chéo, trùng lắp, bảo đảm nguyên tắc một cơ quan tổ chức có thể làm nhiều việc nhưng một việc chỉ do một cơ quan, tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Khi ấy cũng sẽ giảm bớt cấp trung gian, số lượng cấp phó, thủ tục hành chính, giảm chi thường xuyên cho bộ máy để tăng đầu tư cho phát triển và cải cách tiền lương. Hướng đi là thế, nhưng cũng phải làm từng bước, không phải cứ đề ra là thực hiện được ngay, có những cái phải sửa luật mới làm được, nhưng tinh thần phải kiên quyết làm".
Ông Nguyễn Đức Hà
Việc đó tôi nghĩ thế nào cũng có vì nó động chạm đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm, đến "ghế" của không ít người, nên sẽ có người nhờ người nọ người kia tác động, gọi điện, kêu ca khó khăn. Điều đó nếu có cũng là bình thường, dễ hiểu. Nếu động chạm đến quyền lợi cá nhân, đến gia đình, uy tín, ngoài thu nhập, tiền lương thì về tâm lý, họ rất nặng nề việc "mất chức", "mất ghế", sợ anh em họ hàng, làng xóm nhìn vào… Nhưng cốt lõi là cấp trên phải gương mẫu, giải thích, làm rõ cho anh em hiểu.
Mặt khác, lần này phải kết hợp cả tinh thần của Nghị quyết T.Ư 7 là kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền và từng bước xây dựng một nếp văn hoá không có chạy chức, chạy quyền, xây dựng một cơ chế để việc lên xuống, vào ra là bình thường trong công tác cán bộ chứ không có gì quá nặng nề. Tất nhiên, đó là việc lâu dài, khó khăn vì xưa nay ở ta vào dễ, ra khó; lên dễ, xuống khó.
Việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 phải gắn với việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 để giải quyết vấn đề thanh lọc, giải quyết bớt những cán bộ yếu kém, không đáp ứng yêu cầu. Với những người yếu kém về phẩm chất, năng lực phải kịp thời thay thế, không chờ tuổi nghỉ hưu, không chờ hết nhiệm kỳ.
Việc đánh giá cán bộ cũng đã được Nghị quyết T.Ư 7 xác định rõ, đánh giá cuối năm để phân loại, khen thưởng chủ yếu dựa vào kết quả thực hiện nhiệm vụ trong năm, nhưng đánh giá để tuyển chọn, để quy hoạch, đưa vào cấp ủy hay đánh giá trước khi bổ nhiệm thì phải đổi mới căn bản việc đánh giá. Đó là phải đánh giá liên tục, xuyên suốt cả quá trình công tác chứ không chỉ đánh giá ở một vị trí. Đánh giá phải bằng sản phẩm và định lượng được sản phẩm đó. Làm được như thế thì chọn ai đúng người đó, tâm phục khẩu phục, sẽ không có chuyện làm đúng quy trình mà không chọn được đúng người, đúng việc.
Theo ông, việc kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết trong thực tế có vai trò quan trọng thế nào?
Lần này, Nghị quyết nhấn mạnh và thực tế chúng ta đã làm là tăng cường kiểm tra, giám sát. Vừa rồi, Nghị quyết mới ra đời được mấy tháng nhưng Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có các đoàn đi kiểm tra các tỉnh, thành, các bộ, ngành xem triển khai thế nào, hiệu quả đến đâu. Trước hết để xem có gì vướng mắc sẽ kịp thời tháo gỡ. Tiếp đó để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai sót, lệch lạc, không để sai phạm âm ỉ, kéo dài.
Cái nguy hiểm nhất trong thời gian qua là công tác kiểm tra theo đợt, theo kỳ, thậm chí chưa thực chất nên không phát hiện sai phạm, mỗi năm dồn một tí thành sai phạm lớn, thế là mất mát cán bộ. Đây là mất mát lớn nhất, không thể tính được bằng tiền.
Cảm ơn ông!
Xem link bài gốc tại đây