Theo ông Minh, lâu nay, một số cơ quan truyền thông đưa tin các doanh nghiệp (DN) logistics nước chiếm 20% nhưng nắm giữ đến 80% thị trường là chưa đúng.
"Nói đến logistics là chúng ta phải nói đến từng chuỗi vụ dịch riêng của logistics mới thấy được rõ năng lực cung cấp của các logistics Việt Nam. Hiện nay đến 90% cảng biển Việt Nam là do các DN trong nước khái thác, về vận tải đường bộ và khai quan thì chắc chắn thuộc về các DN logistics Việt Nam. Ở mảng cung cấp kho, dịch vụ kho cũng vậy. Về năng lực cung cấp dịch vụ logistics thì VLA tin rằng các DN logistics Việt Nam đủ khả năng cung cấp bất cứ dịch vụ nào thuộc chuỗi dịch vụ logistics cho tất cả DN" – ông Minh lý giải.
Hàng hóa tại cảng Cát Lái, TP HCM. Ảnh: Hoàng Triều
Tuy nhiên, đại diện VLA nhìn nhận ở một số lĩnh vực vận tải hàng không, vận tải đường biển thì các DN dịch vụ logistics Việt Nam không thể đầu tư được.
Cũng theo ông Minh, quan điểm của VLA là các công ty logistics nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam, phải sử dụng lao động Việt Nam và đóng thuế cho Việt Nam. Các công ty logistics nước ngoài là đối tác, cạnh tranh lành mạnh với DN trong nước chứ không phải giành giật. Sự tham gia của các DN nước ngoài giúp DN logistics Việt Nam học hỏi để cùng tiến bộ và phát triển.
Việc tuyên truyền theo hướng công ty logistics Việt Nam yếu và công ty logistics nước ngoài mạnh sẽ làm cho giới chủ hàng Việt Nam xói mòn lòng tin vào năng lực của các công ty logistics Việt Nam. Trong khi đó, tại kế hoạch hành động số 49 của QĐ200, Thủ Tướng đã giao cho VLA và Bộ Thông tin truyền thông phải làm sao phát huy các phương tiện truyền thông nhằm quảng bá rộng rãi về vai trò, tầm quan trọng của logistics, DN dịch vụ logistics.
Theo số liệu VLA, hiện cả nước có khoảng 3.000 công ty tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ logistics, trong số đó 70% có trụ sở ở khu vực TP HCM và có khoảng 30 công ty logistics đa quốc gia. Các công ty đa quốc gia có thế mạnh về hợp đồng chuyên chở với các hãng tàu lớn do công ty mẹ ký với các chủ hàng lớn có mạng lưới toàn cầu, mức độ đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động logistics cao, trình độ quản lý tiên tiến và đặc biệt có quan hệ tốt với các chủ hàng toàn cầu nên có nhiều lợi thế so với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam, do đó chiếm thị phần đáng kể. Trong khi đó, thế mạnh của các doanh nghiệp logistics Việt Nam là đầu tư – khai thác cảng, vận tải bộ, đại lý thủ tục hải quan, đầu tư-khai thác kho và có đội ngũ nhân sự lành nghề.