Nhìn lại 10 năm phát triển, ông Trương Công Thái, Chủ tịch TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) tự hào nói rằng thành phố đã đạt được những kết quả đáng tự hào kể từ khi thực hiện Kết luận số 60 của Bộ Chính trị.
Cụ thể như nhiều công trình giao thông, cơ sở hạ tầng đô thị, kể cả các hệ thống giao thông của buôn, làng trên địa bàn thành phố đã được đầu tư theo hướng hiện đại, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế.
"Sau Kết luận 60 của Bộ Chính trị hồi năm 2009, Buôn Ma Thuột từ đô thị loại II trở thành đô thị loại I từ năm 2010", ông Thái nói.
Mặt khác, các lĩnh vực văn hóa - xã hội của thành phố cũng có nhiều tiến bộ, công tác an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo ổn định.
Tuy nhiên, ông Thái cũng thừa nhận rằng bên cạnh những thành tựu đạt được, sau 10 năm thực hiện Kết luận 60, một số hạn chế đã bộc lộ, nhiều nội dung chưa thực hiện được. "Nhất là đầu tư các công trình trọng điểm, công trình giao thông, công trình văn hóa có tính chất liên kết vùng. Nhiều công trình quy mô trong Kết luận 60 đặt ra, đến thời điểm này, các bộ ngành quan tâm ở mức độ vừa phải, chưa tạo động lực để đầu tư hoàn thiện", ông Thái nói.
"Sứ mệnh của Buôn Ma Thuột là sứ mệnh là trung tâm của vùng, không phải chỉ là lợi ích riêng của Buôn Ma Thuột mà là sứ mệnh quốc gia", TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định. Do vậy, ông cho rằng chương trình phát triển thành phố này phải nằm trong chiến lược quốc gia, đồng thời cần có nguồn lực tập trung cho nơi đây.
Tuy nhiên, theo quan sát của TS. Trần Đình Thiên, thành phố này đã phát triển không hơn gì cả tỉnh Đắk Lắk. Buôn Ma Thuột cũng chưa tạo được cho mình một sức hấp dẫn riêng, là nơi hội tụ kinh tế của Tây Nguyên.
"Tây Nguyên trồng được rất nhiều thứ tuyệt vời nhưng trồng xong lại chở đi nguyên liệu thô đi nơi khác chế biến. Tại sao Buôn Ma Thuột không phải là một trung tâm công nghiệp chế biến của cả vùng? Tại sao lại mang xuống hết Bình Dương, Sài Gòn?", ông đặt vấn đề.
Nói tiếp, ông cho biết: "Vì nơi đây chưa vẫn còn thiếu những nhà đầu tư lớn, định vị đây là trung tâm công nghiệp chế biến, gom phần giá trị gia tăng quan trọng nhất của vùng này. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ có ý tưởng biến Đắk Lắk thành thánh địa, thủ phủ cà phê thế giới. Nhưng giờ thánh địa là trồng nhiều cà phê rồi chở đi nơi khác. Uống cà phê theo kiểu địa phương làm sao mà thành thánh địa? Tại sao ông Vũ không làm ở đây? Chính là bởi Tây Nguyên chưa đủ sức hấp dẫn, chưa có cơ chế tốt. Phải trao cho Đắk Lắk những quyền, cơ chế mới".
Theo đó, ông Thiên cho rằng thành phố cần có một chương trình phát triển với những chính sách, cơ chế mới nhằm lôi kéo các doanh nghiệp có quy mô lớn – như mô tả của ông là "đại bàng thay vì chim sẻ", đầu tư vào. Điều này sẽ giúp định hình "chân dung" cho Buôn Ma Thuột.
"Chúng ta cũng cần những ý tưởng đột phá", ông nói tiếp. Ví dụ sân bay Buôn Ma Thuột phải trở thành trung tâm hội nhập quốc tế của vùng khi được nối tiếp đến thế giới thay vì chỉ là một sân bay nhỏ lẻ, với những chuyến bay sang Lào hay Myanmar.
Để tìm phương hướng phát triển cho Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết cần phải tiếp tục làm dựa trên lợi thế so sánh của thành phố và nhu cầu thực tiễn đặt ra.
"Cần nghiên cứu các cơ chế chính sách đột phá để đem lại động lực phát triển cho thành phố", ông nhấn mạnh.
Theo đó, Buôn Ma Thuột phải trở thành trung tâm chế biến, thương mại, logistics, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục của vùng.
Ông Bình đặc biệt lưu ý việc ưu tiên thu hút đầu tư đặc biệt từ khu vực tư nhân. Quá trình phát triển, theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, là cần trọng tâm trọng điểm, tránh dàn trải để tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển trong từng thời kỳ. Quy hoạch cũng cần mang bản sắc văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên.
"Việc xây dựng TP Buôn Ma Thuột thành trung tâm vùng Tây Nguyên phải đặt trong tổng thể vùng Tây Nguyên với tầm nhìn về Tây Nguyên trong 10 năm tới", ông nói.
Bởi ông nhấn mạnh chỉ khi làm rõ những quan điểm này có ý nghĩa quan trọng để tổng kết và ban hành Nghị quyết mới của Bộ Chính trị trong năm nay về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 cũng như tổng kết và ban hành Nghị quyết mới về phát triển vùng Tây Nguyên vào 2020.