Vào ngày 12/12 năm ngoái, một người đàn ông 38 tuổi và một phụ nữ 21 tuổi đã bị bắt ở tỉnh Shiga với cáo buộc bắt cóc một nữ sinh trung học. Nữ sinh này sau đó được phát hiện đã chết do sử dụng thuốc quá liều tại căn hộ của người đàn ông này. Hai nghi phạm khai với cảnh sát rằng họ làm quen với cô gái thông qua các kênh mạng xã hội dành cho những người quan tâm đến việc uống thuốc quá liều để giảm bớt nỗi đau tinh thần.
Trong những năm gần đây, vấn đề thanh niên lạm dụng thuốc mà không thông qua bác sĩ kê đơn, chẳng hạn như thuốc ho và thuốc cảm, ngày càng trở nên nghiêm trọng. Trong khi đó, một số sản phẩm bán sẵn tại các quầy thuốc chứa chất kích thích và có nguy cơ gây nghiện, các chuyên gia đang gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Khi kể lại trải nghiệm đầu tiên sử dụng thuốc với số lượng lớn, một học sinh trung học 19 tuổi ở Kyushu cho biết: "Tôi không muốn cảm thấy cô đơn và lo lắng về tương lai nữa". Được biết, tuổi thơ của cô đã từng bị mẹ bạo hành tâm lý và cô hiện đang sống một mình.
Hôm đó, cô uống 28 viên thuốc ho trong vòng 4 tiếng từ chiều đến tối. Đầu tiên, cô uống gấp 12 viên - gấp ba lần liều lượng khuyến nghị - sau đó một giờ cô ấy uống thêm tám viên nữa, rồi lại uống tiếp tám viên. Lúc đó, cô cảm thấy thư thái và lâng lâng. "Tác dụng của thuốc thật tốt vì tôi không phải nghĩ về bất cứ điều gì", cô nói.
Cô sinh viên này vẫn đến trường vào ngày hôm sau, Cô cho biết toàn bộ số thuốc cô đều mua trên mạng. Cô cố ý dùng quá liều vì cô đọc được các bài đăng trên Twitter về việc thuốc ho gây hưng phấn. "Tôi không thể uống rượu vì tôi là trẻ vị thành niên và tôi sẽ bị bắt nếu sử dụng thuốc kích thích bất hợp pháp", cô nói. "Tôi nghĩ dùng quá nhiều thuốc (không được bác sĩ kê đơn) sẽ không thành vấn đề".
Theo Toshihiko Matsumoto, 54 tuổi, giám đốc Phòng Nghiên cứu Lệ thuộc Thuốc của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia và là người đứng đầu nhóm nghiên cứu, nhiều trường hợp lạm dụng thuốc đều liên quan đến thuốc ho có chứa dl-methylephedrine hydrochloride hoặc dihydrocodeine phosphate.
Toshihiko Matsumoto
Mặc dù loại thuốc này không gây ra tác dụng phụ nếu được sử dụng thích hợp, nhưng chất methylephedrine có thể gây kích thích hệ thần kinh và được sử dụng làm nguyên liệu cho các chất kích thích. Bên cạnh đó, dihydrocodeine là một thành phần trong chất ma tuý. Cả hai hợp chất đều có tác dụng kích thích trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương và rất dễ gây nghiện.
Một khi đã nghiện thì rất khó để cai, và dù những người nghiện bỏ thuốc thành công thì vẫn sẽ để lại di chứng như cảm thấy không có động lực, kiệt sức hoặc trầm cảm. Việc lạm dụng thuốc cũng gây ra tổn thương cho các cơ quan nội tạng và có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe của mọi người.
Bộ Y tế chỉ định các loại thuốc có chứa bất kỳ thành phần nào trong số sáu thành phần dược phẩm bao gồm methylephedrine và dihydrocodeine là thuốc có nguy cơ gây nghiện. Về nguyên tắc, các nhà thuốc có nghĩa vụ chỉ bán một hộp thuốc như vậy cho mỗi người và yêu cầu bất kỳ ai có nhu cầu mua nhiều hộp phải đưa ra lý do. Họ cũng phải xác nhận tên và tuổi nếu người mua còn trẻ.
Tuy nhiên, hiện nay mọi người dễ dàng ẩn danh khi mua những loại thuốc này qua mạng. Hơn nữa, mạng xã hội tràn ngập các bài đăng của những người lạm dụng thuốc không kê đơn, cung cấp cách có thể sử dụng thuốc một cách hợp pháp cho những người trẻ tuổi.
Matsumoto đang kêu gọi những người trẻ lạm dụng thuốc hãy chia sẻ tâm tư với bạn bè hoặc người lớn mà họ tin tưởng để giảm bớt áp lực tinh thần. Ông khuyên những người xung quanh không nên cố gắng ép họ dừng lại, vì điều đó sẽ chỉ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Thay vào đó, người thân nên nghiêm túc lắng nghe những vấn đề mà những người lạm dụng thuốc đang gặp phải, xây dựng mối quan hệ cho phép trao đổi ý kiến thẳng thắn và sau đó khuyên họ đi khám bác sĩ tâm lý.
Ngoài thị trường còn có những loại thuốc ho và chữa cảm lạnh không chứa methylephedrine hoặc dihydrocodeine. Matsumoto nói: "Các công ty sản xuất thuốc nên xem xét việc thay thế các loại thuốc có chứa các thành phần như vậy càng sớm càng tốt. Các cơ quan có thẩm quyền cũng cần phải thực hiện các biện pháp như cấm bán trực tuyến các loại thuốc có nguy cơ gây nghiện và giới hạn số lượng mua của mỗi người".
Tham khảo Japan Times