Việt Nam có thể là một trong những nước có tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới, nhưng vẫn còn chậm chạp trong xu hướng không dùng tiền mặt của toàn cầu.
Tờ Bloomberg dẫn ví dụ về một người tiêu dùng như anh Trần Văn Nhân, người vừa mua một căn hộ hai phòng ngủ ở Hà Nội, thanh toán bằng vàng và một túi lớn tiền mặt.
"Chúng tôi đã trả gần một nửa là bằng vàng và phần còn lại là tiền mặt", anh Nhân, chủ cửa hàng 47 tuổi ở Hà Nội nói về căn hộ trị giá 138.000 đô la của mình. Anh nói thêm: "Thanh toán như vậy vì cả tôi và chủ sở hữu căn hộ đều không muốn chuyển khoản ngân hàng. Chúng tôi vẫn quen mua bán bằng tiền mặt và vàng".
Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy người dân sử dụng các phương tiện thanh toán số, giảm lượng USD trong dân cố gắng khuyến khích người dân sử dụng đồng nội tệ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc mang đến thẻ tín dụng, chuyển khoản ngân hàng và công cụ thanh toán số thay cho việc mang theo quá nhiều tiền mặt và vàng để mua hàng.
Đằng sau việc khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử là băn khoăn của các cơ quan quản lý về chi phí in ấn tiền giấy và sự cần thiết phải có hồ sơ thanh toán minh bạch hơn để ngăn trốn thuế, rửa tiền – vấn đề ngày càng gia tăng khi nền kinh tế 237 tỷ USD này tiếp tục mở rộng đáng kể.
Sẽ còn nhiều điều phải làm khi mới chỉ có 31% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng và hơn 95% thanh toán hiện nay vẫn được thực hiện bằng tiền mặt và vàng.
"Vấn đề nằm ở văn hóa", ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cố vấn cao cấp của ngân hàng NCB cho biết. Và ông cho rằng điều đó đang kéo lùi Việt Nam. Chính phủ đã nhận ra rằng để có thể hội nhập, nền kinh tế dựa vào tiền mặt của Việt Nam cần phải thay đổi.
Chính phủ đã đặt việc hiện đại hóa các hệ thống thanh toán lên hàng đầu và đề nghị các ngân hàng giảm tỷ trọng giao dịch tiền mặt dưới khoảng 10% vào thời điểm năm 2020. Thương mại điện tử đang được thúc đẩy tại trung tâm thương mại và siêu thị ở các thành phố lớn và Chính phủ cũng đặt mục tiêu ít nhất 70% người Việt từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến khích người dân sử dụng các hệ thống thanh toán điện tử, chẳng hạn như mã QR. Tháng 1/2019, một quy định mới được đưa ra, bắt buộc các nhà cung cấp dịch vụ công, từ bệnh viện cho tới trường học phải ngừng nhận tiền mặt kể từ tháng 12.
Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng vẫn cần thận trọng. Ví dụ từ Hàn Quốc là một cảnh báo nếu một xã hội xoay chuyển quá nhanh trong việc áp dụng thẻ tín dụng hàng loạt. Một cuộc đua thẻ tín dụng diễn ra từ đầu những năm 2000 đã dẫn đến những khoản nợ chồng chất của các hộ gia đình tại quốc gia này. Năm 2004, cứ 13 người Hàn Quốc lại có 1 người bị trả chậm nợ khoảng từ 3 tháng trở lên, 2/3 trong số đó vỡ nợ thẻ tín dụng.
Không giống như ở Trung Quốc, quốc gia của thị trường thanh toán di động lớn nhất thế giới, theo bài báo trên Bloomberg, đa số người Việt Nam vẫn dùng tiền mặt và vàng để mua mọi thứ, từ cửa hàng tạp hóa cho đến hàng đắt đỏ hơn như ô tô. Các tiểu thương phải đến các ngân hàng nhiều lần trong tuần và mang theo hàng bao tải tiền.
Việt Nam đang bước vào cuộc cách mạng về thanh toán. Dân số trẻ và nhiều người am hiểu công nghệ, với 70% sử dụng điện thoại thông minh sẽ dễ dàng tiếp cận hệ thống thanh toán điện tử - chủ yếu được cung cấp bởi các công ty khởi nghiệp trong nước.
Amazon, Alibaba và các công ty thương mại điện tử toàn cầu khác đã thành lập hoạt động tại Việt Nam, nơi doanh thu từ thương mại điện tử đã tăng lên 8 tỷ USD vào năm 2018. Tuy nhiên, mua hàng trực tuyến nhưng thanh toán hầu như vẫn bằng tiền mặt.
Nhiều người Việt vẫn còn giữ đồng bạc xanh và vàng trong két sắt gia đình. "Ước tính người dân còn nắm giữ khoảng 400 tấn vàng. Ngay cả người bạn của tôi cũng tích trữ vàng trong nhà", ông Nguyễn Trí Hiếu nói.
Trong khi đó, theo Standard Chartered, chỉ có 4,1% người Việt sở hữu thẻ tín dụng. "Khoảng 80% khách hàng của tôi trả bằng tiền mặt và tôi cũng cảm thấy yên tâm hơn khi nhận tiền mặt hơn là thẻ tín dụng", chị Nguyễn Thu Hương, 44 tuổi, một chủ cửa hàng quần áo tại Tp.Hồ Chí Minh cho biết, và nói thêm rằng việc Nhà nước đang cố gắng để người dân sử dụng thẻ tín dụng nhiều hơn, nhưng chị nghĩ đó vẫn còn là một chặng đường dài.
Còn theo ông Alwaleed Alatabani, chuyên gia tài chính của World Bank Bank tại Việt Nam, các nhà quản lý vẫn chưa đưa ra khung pháp lý đầy đủ cho việc sử dụng rộng rãi thanh toán di động hoặc thành lập các đại lý có thể thay thế cho các ngân hàng ở khu vực nông thôn – nơi đang rất thiếu dịch vụ ngân hàng.
"Không dễ để thay đổi", chị Trần Thị Lê, 35 tuổi, sống tại TP.Hồ Chí Minh chia sẻ và cho biết vẫn đang giữ vàng và ngoại tệ trong nhà. Trong khi đó, anh Nhân, người được nhắc đến đầu bài cùng vợ của mình còn mua vàng tích trữ để sử dụng trong tương lai sau khi nghỉ hưu. Những người này cảm thấy an toàn hơn với vàng và các đồng ngoại tệ mạnh.