Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) vừa có báo cáo đánh giá tiềm năng xuất khẩu sang một số nước trong Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong 11 nước thành viên của CPTPP có 4 nước thành viên thuộc khu vực châu Mỹ bao gồm Canada, Chile, Mexico và Peru. Trong số này, có tới 3 nước mà Việt Nam lần đầu tiên có quan hệ FTA là Canada, Mexico và Peru. Đặc biệt, đây đều là những nước có cam kết cắt giảm tỷ lệ thuế quan cho hàng hoá Việt Nam rất cao ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực: Canada (95%), Chile (95%), Peru (81%) và Mexico (77%).
"Những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia nêu trên đã phát triển đáng kể. Cả Canada, Chile, Mexico và Peru đều nằm số những quốc gia châu Mỹ mà Việt Nam có trao đổi thương mại lớn và trở thành những thị trường quan trọng của Việt Nam tại khu vực. Với Hiệp định CPTPP, Việt Nam có thể tăng cường hơn nữa xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh, đồng thời tìm kiếm cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng tiềm năng sang các thị trường này", Bộ Công Thương nhận định.
Cơ hội tấn công thị trường Canada
Bộ đánh giá Việt Nam hiện đang là nước có lợi thế trong thương mại song phương với Canada, trong đó xuất khẩu có giá trị cao gấp 5 lần nhập khẩu. Với việc xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực, bao trùm 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, thị trường Canada mang lại rất nhiều cơ hội để ta đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là đối với một số mặt hàng như thuỷ sản, đồ gỗ, dệt may và giày dép.
Về thuỷ sản, 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản được hưởng thuế xuất 0% từ ngày 14/1. Thủy sản hiện đang là mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam. Canada đang tiêu thụ 240 triệu USD hàng thủy sản từ Việt Nam.
Trong đó có những loại có thị phần rất cao như cá basa, tôm, tômn đông lạnh, tôm chế biến (Việt Nam đứng đầu trong các nước xuất khẩu vào Canada), cá ngừ vàng, mắt to đông lạnh... Thuế nhập khẩu của Canada đối với các mặt hàng này hiện là 4-5% và theo cam kết CPTPP thuế suất cho các mặt hàng này sẽ giảm về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.
"Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam hiện đã có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn của Canada nhưng được bán qua nhà phân phối, chưa bán trực tiếp. Hiện nay, các công ty lớn của Canada có xu hướng mua trực tiếp từ nhà sản xuất để cắt giảm chi phí", Bộ Công Thương nhận định.
Về đồ gỗ, nội thất, theo CPTPP thuế sẽ giảm ngay từ 9,5% xuống 0%. Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn nhất về đồ gỗ phòng ngủ vào Canada, chiếm gần 30% thị phần. Canada đang tiêu thụ 166 triệu USD đồ gỗ của Việt Nam.
Với dệt may, dù thị trường quần áo của Canada có dung lượng nhỏ nhưng nhiều công ty phân phối dệt may hàng đầu thế giới có trụ sở tại Canada và đa số các công ty đều phân phối tại thị trường Mỹ và các nước khác.
Hiện dệt may xuất khẩu của Việt Nam sang Canada mới chiếm khoảng 7% tổng nhập khẩu của Canada. Thuế nhập khẩu vào Canada sẽ giảm từ 17%-18% xuống còn 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực hoặc sau 3 năm nếu đáp ứng quy tắc xuất xứ.
Bên cạnh đó, 78% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Canada hưởng thuế suất 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực.
Mexico xoá bỏ 77% dòng thuế cho hàng Việt
Mexico là thị trường xuất khẩu thứ 2 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh sau Brazil. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 2,24 tỷ USD. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Mexico là điện thoại, giày dép, máy tính, hàng dệt may.
Với CPTPP, Mexico cam kết xóa bỏ 77% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Theo Bộ Công Thương, một số mặt hàng có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Mexico là thuỷ sản như cá tôm đông lạnh, gạo, dệt may, da giày.
Hàng năm Mexico nhập khẩu khoảng 351 triệu USD cá đông lạnh. Mexico là một thị trường dễ tính với dân số đông, sức tiêu thụ mạnh, yếu tố về giá mang tính quyết định. Đối với mặt hàng cá đông lạnh, hiện Việt Nam đang là nước xuất khẩu lớn thứ 2 sau Trung Quốc.
Ngoài ra, hàng năm Mexico nhập khẩu khoảng 1,8 tỷ USD hàng dệt may và 1,1 tỷ USD hàng giày dép. Trong những năm qua, Việt Nam xuất khẩu sang Mexico trên 100 triệu USD hàng dệt may, chiếm thị phần khoảng 6,5%.
Về giày dép, thị phần của Việt Nam chiếm khoảng 30% với đối thủ cạnh tranh chính là Trung Quốc (chiếm 35% thị phần). Hàng dệt may được Mexico xóa bỏ thuế theo lộ trình và về 0% vào năm thứ 16. Hàng da giày được Mexico xóa bỏ thuế theo lộ trình và về 0% vào năm thứ 12.
Với Peru và Chi lê, Bộ Công Thương đánh giá đây là hai thị trường tiềm năng để hàng hoá Việt tiếp cận.
Hiện trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và Peru còn khá khiêm tốn. Năm 2018, xuất khẩu của ta sang thị trường này đạt 250 triệu USD. Hiệp định CPTPP dự kiến có hiệu lực, Peru cam kết xóa bỏ 81% số dòng thuế tương đương 62% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,4% dòng thuế vào năm thứ 17.
Bộ Công Thương cho rằng những sản phẩm như đồ gỗ, hạt điều, chè, hạt tiêu, rau củ quả...sẽ hưởng lợi vì thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Riêng mặt hàng dệt may, giày dép mõi năm Peru nhập khẩu 350 triệu USD nhưng thuế sẽ về 0% vào năm thứ 16.
Với Chile, Bộ Công Thương nhận định đây là thị trường tích cực mở cửa cho hàng hóa Việt Nam kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Chile chính thức có hiệu lực vào năm 2014.
FTA Việt Nam - Chile có 1.118 sản phẩm nằm trong danh sách loại trừ, trong khi đó với CPTPP Chile cam kết cắt giảm 95,1% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực và 99,9% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ vào năm thứ 8.
Các mặt hàng thúc đẩy xuất khẩu sang Chile như hạt tiêu, hạt điều, chè, cà phê, mật ong, nông sản, thủy sản vì thuế suất về 0% ngay. Với giày dép, cao su thuế được xóa bỏ vào năm thứ 4 còn dệt may thuế được xóa bỏ vào năm thứ 8