Những ngày giáp Tết Nguyên đán, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15. Theo đó, từ ngày mùng 1/2 cho đến hết năm nay, thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ được giảm 2% đối với nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%.
Đây là một thông tin tác động sâu rộng đến đời sống và kinh doanh, nhưng do có quá nhiều việc phải lo cho dịp Tết nên nhiều người chưa chú ý đến nghị định này.
Người dân hào hứng vì được giảm thuế giá trị gia tăng
Nếu trước đây chúng ta mua 1 đơn hàng trị giá 1 triệu đồng thì sẽ phải chịu thêm 100.000 thuế giá trị gia tăng, nhưng hiện chỉ phải chịu thêm 80.000 tiền thuế giá trị gia tăng.
Người dân mua sắm tại một siêu thị tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: TTXVN)
Hàng loạt hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đã thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% ngay sau khi mở cửa hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết và người dân cũng có thêm niềm vui đầu năm.
Phấn khởi là tâm trạng của bà Thuận (Quận 7, TP Hồ Chí Minh) khi mới biết được từ nay khi đi mua sắm ở siêu thị, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8%. Theo bà, dù mức giảm này không nhiều, nhưng nếu cộng dồn, thì cũng là một sự chia sẻ đáng kể với người tiêu dùng.
"Nhà nước giảm thuế vậy cho mình thì rất là mừng, dù ít nhưng mình cũng cảm thấy vui, vì sau đại dịch, ai cũng khó khăn. Dù ít nhưng nếu cộng dồn lại nhiều lần, nhiều món thì cũng thành nhiều", bà Nguyễn Thị Bích Thuận chia sẻ.
Việc áp dụng mức giảm thuế 2%, từ 10% xuống 8%, hiện được áp dụng với hầu hết các nhóm hàng hóa, dịch vụ, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và một số sản phẩm có quy định rõ. Chính sách này sẽ được áp dụng đến hết 31/12. Dù với nhiều người, đây là lần nghe thông tin, nhưng đa phần đều thấy hài lòng và vui mừng.
"Đợt dịch vừa qua, giá cả các mặt hàng cũng tăng lên khá cao thì chủ trương này của Nhà nước là khá kịp thời, chia sẻ với người tiêu dùng. Chúng tôi cũng cũng kỳ vọng, thông qua việc giảm thuế suất 2% này, người tiêu dùng sẽ có thêm điều kiện mua sắm nhiều hơn", ông Nguyễn Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Ngành hàng Thực phẩm khô Lotte Mart Việt Nam, cho biết.
Với nhiều gia đình, số thuế được giảm có thể chỉ là vài trăm ngàn đồng/tháng, nhưng nếu đánh giá trên tổng hệ cả nước, số tiền giảm có thể lên đến vài chục ngàn tỷ đồng.
Theo các chuyên gia kinh tế, với việc được giảm thuế VAT đầu vào, người bán có điều kiện giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ khi sức ép về chi phí tăng cao. Còn về phía người tiêu dùng, tiết kiệm chắc chắn là lợi ích hàng đầu.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng việc giảm thuế VAT sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm trực tiếp 2% chi tiêu bình quân. Điều này sẽ góp phần kiềm chế, kiểm soát việc tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI khi tiêu dùng trong nước dần phục hồi và mở rộng sau Tết.
Dự kiến, chính sách này sẽ giảm thu ngân sách nhà nước của năm nay khoảng gần 50.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này của Chính phủ sẽ có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư, qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.
Việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị định 15 được thực hiện trên diện rộng và tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế hơn những lần hỗ trợ trước. Không chỉ người tiêu dùng được mua hàng với giá rẻ hơn, mà bản thân các doanh nghiệp cũng được lợi từ chính sách này.
Giá đầu vào của nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất và dịch vụ cũng giảm, khiến giá thành sản phẩm bán ra thấp hơn trước, giúp nhiều doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh
Giảm thuế giúp phục hồi sản xuất kinh doanh
Năm trước, Công ty cổ phần 22 nộp 15 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng và dự kiến năm nay sẽ nộp cao hơn. Tuy nhiên từ đầu tháng 2 này, thuế giá trị gia tăng được giảm từ 10% xuống còn 8% sẽ giúp doanh nghiệp giảm hơn 3 tỷ đồng tiền thuế. Đây là cơ hội để nhiều doanh nghiệp mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
"Có lợi cho người tiêu dùng hơn. Chúng tôi sẽ bán được nhiều sản phẩm, từ đó doanh thu tăng, lợi nhuận tăng và năm 2022 chắc chắn việc làm của người lao động sẽ ổn định hơn", Đại tá Tạ Cao Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần 22, cho hay.
"Việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% giúp chúng tôi có thể tiết kiệm được một khoản chi phí và cân đối được ngân sách của mình để có thể đưa ra sản phẩm tốt, thiết thực, giá cả hợp lý hơn đến người tiêu dùng", ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty CP Ngôi nhà Chào Buổi Sáng, cho biết.
Việc giảm thuế giá trị gia tăng được xem như là đòn bẩy kích cầu tiêu dùng của cả xã hội, qua đó sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm phục hồi.
Việc giảm thuế giá trị gia tăng dự kiến sẽ làm giảm thu thuế năm nay gần 50.000 tỷ đồng. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
"Giảm thuế giá trị gia tăng sẽ kích thích đầu tư nước ngoài, bởi khi chúng ta ưu đãi thuế và phí sẽ giảm giá bán, tăng sức cạnh tranh. Đặc biệt, các nguyên liệu đầu vào cũng có thể được giảm trực tiếp giúp cho sức cạnh tranh của các doanh nghiệp được hỗ trợ tích cực trong năm tiếp theo", TS. Mạc Quốc Anh , Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển doanh nghiệp, đánh giá.
Mặc dù việc giảm thuế giá trị gia tăng dự kiến sẽ làm giảm thu thuế năm nay gần 50.000 tỷ đồng và ảnh hưởng đến kế hoạch thu của nhiều địa phương, nhưng lại kích thích sản xuất kinh doanh phát triển, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách.
"Với chính sách này, trong năm 2022 thuế giá trị gia tăng sẽ giảm từ 8.000 - 10.000 tỷ. Đây cũng là một khó khăn cho ngành thuế, nhưng chúng tôi nghĩ rằng việc Chính phủ cũng như Quốc hội đã có chính sách chính sách giảm kịp thời như vậy sẽ là động lực để doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, như vậy sẽ bù lại các cái khoản thuế khác", Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh Lê Duy Minh nhận định.
Xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh không áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8%
Do có hiệu lực từ ngày 1/2, tức ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, nên việc áp dụng Nghị định 15 vẫn còn nhiều lúng túng trong những ngày đầu. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vẫn còn nhiều băn khoăn về việc xác định những mặt hàng nào thuộc diện được giảm thuế, việc lập hóa đơn giá trị gia tăng cho hàng hóa dịch vụ được giảm thuế được thực hiện thế nào cho đúng quy định của pháp luật và đúng đối tượng được thụ hưởng. Những thông tin thêm của bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế sẽ phần nào giải đáp được các vướng mắc này.
"Tất cả các hàng hóa dịch vụ hiện nay được quy định tại các phụ lục ban hành kèm theo nghị định sẽ không được giảm thuế. Như vậy, đối với cơ sở kinh doanh bán các hàng hóa, dịch vụ này có thể căn cứ vào danh mục, phụ lục đó để xem xét và nộp hóa đơn với thuế suất giảm nếu hàng hóa cơ sở kinh doanh đang áp dụng thuế suất là 10%.
Nghị định cũng quy định một nội dung là đối với hàng hóa dịch vụ thuộc diện được giảm thuế thì cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng giao cho người tiêu dùng để người tiêu dùng biết hàng hóa dịch vụ mình mua, thụ hưởng được giảm thuế giá trị gia tăng. Cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn với mức thuế suất 8% để giao cho người mua. Trường hợp hóa đơn không theo đúng thuế suất được giảm, thì hai bên phải điều chỉnh hóa đơn theo đúng quy định.
Nghị định này được ban hành vào thời điểm giáp Tết nên một số cơ sở kinh doanh chưa hiểu được đầy đủ nội dung của nghị định. Do đó, Tổng cục Thuế đã có công điện chỉ đạo cục thuế cấp tỉnh, thành phố tập trung tuyên truyền hướng dẫn giám sát để cơ sở kinh doanh người bán cũng như người mua biết được nội dung này.
Nếu các cơ sở kinh doanh hàng hóa thuộc diện được giảm thuế, nhưng thực tế bán hàng hóa dịch vụ lại không áp dụng việc giảm thuế để người tiêu dùng được thụ hưởng thì cơ quan thuế sẽ có những biện pháp xử lý nghiêm khắc", bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, cho biết.
Tổng cục Thuế đã đề nghị các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử, tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử thực hiện nâng cấp giải pháp hóa đơn điện tử để hỗ trợ người nộp thuế (cơ sở kinh doanh) áp dụng lập hóa đơn theo quy định để áp dụng đúng mức thuế giá trị gia tăng cho nhóm hàng hóa nằm trong danh mục được giảm.