Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) chia sẻ tại buổi họp báo chuyên đề
Sáng 5.1, tại buổi họp báo chuyên đề giới thiệu 10 nghị định về ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các FTA có hiệu lực từ 1.1.2018, Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam đang thực hiện cam kết về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong khung khổ 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm có: ASEAN, ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Nhật Bản, ASEAN-Ấn Độ, ASEAN-Úc-Niu-Di-lân, Việt Nam-Nhật Bản, Việt Nam-Hàn Quốc, Việt Nam-Chi Lê và Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu.
Đáng chú ý, ở Nghị định ban hành biểu thuế VN-EAEU FTA, tính đến năm 2018, có 5.535 dòng thuế cắt giảm về 0% và năm 2018 có 3.720 dòng thuế đang tiếp tục về 0% gồm: sữa và sản phẩm từ sữa, ô tô và phụ tùng linh kiện ô tô, sắt thép và sản phẩm sản thép…
Với Nghị định ACFTA, số dòng thuế giảm từ mức 5%, 10% xuống 0% năm 2018 gồm: thịt gà, cà phê, chè nguyên liệu, chế biến thực phẩm, vải may mặc, quần áo, máy móc thiết bị điện và điện tử…
Với VKFTA, năm 2018 có 704 dòng có thuế suất cắt giảm 0% tập trung ở các mặt hàng: thủy sản, bột mỳ, chế phẩm bánh kẹo, nhiên liệu diesel, máy móc thiết bị điện và điện tử…
Với VJEPA, có 456 dòng thuế suất 0%, chủ yếu ở các nhóm chất béo, đường, máy móc thiết bị, bộ phận xe cộ…
Thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN đã giảm về 0% từ 1.1.2018
Trước những lo lắng của báo chí xung quanh việc thuế suất của hàng nghìn mặt hàng cắt giảm về 0% trong năm 2018 và các năm tiếp theo sẽ ảnh hưởng tới thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) và đời sống người dân, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, đánh giá bức tranh tổng thể từ năm 2016 khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), việc xác định chủ chương, tác động đã được tính toán.
Ông Tuấn Anh cho sẻ: “Từ góc độ của ngành tài chính, để bảo đảm thu ngân sách và cân đối ngân sách, chúng tôi đã xác định rõ định hướng khi tham gia các hiệp định này. Tất cả đều có tính toán, đưa vào thu và lập dự toán ngân sách hàng năm đối với hoạt động xuất nhập khẩu.
Về tác động của 10 Nghị định, chưa tới 5% số dòng thuế trong các Nghị định này có sự thay đổi thuế suất so với các Nghị định ban hành năm 2016. Và nguyên tắc áp dụng về kết hợp thuế suất đều dẫn tới kết quả có thể khiến thuế suất giảm hơn một chút so với các Nghị định ban hành năm 2016. Phạm vi giảm của các dòng thuế không lớn. Rõ ràng, giảm thu Ngân sách Nhà nước từ 10 Nghị định này so với các Nghị định ban hành năm 2016 rất là ít, gần như không có tác động lớn”.
Về các mặt hàng ô tô, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, từ cuối năm 2017, ô tô là mặt hàng được quan tâm bởi năm 2017 là năm cuối cùng trong lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN, là năm cuối áp dụng mức thuế suất nhập khẩu 30% trước khi giảm thuế về 0% từ 1.1.2018.
“Nếu các thành tố khác giữ nguyên, việc giảm thuế nhập khẩu sẽ làm giảm giá của mặt hàng này. Song về đánh giá tổng thể các động của các chính sách đối với mặt hàng ô tô, trong khuôn khổ cuộc họp, tôi chưa thể đánh giá được là giảm như vậy sẽ tác động thế nào trong năm 2018”, ông Tuấn Anh nói.
Ngày 5.10.2016, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về Luật Thuế xuất khẩu (XK), thuế nhập khẩu (NK) số 107/2016/QH13 làm rõ những ưu điểm so với Luật cũ và chỉ ra tác động của việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do có thể giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN). Theo ông Phạm Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) Luật thuế XK, thuế NK có 13 Nghị định và 1 Quyết định, trong đó có 10 Nghị định nâng cấp các văn bản hiện hành, tác động trực tiếp với liên minh kinh tế Á – Âu và khoảng hơn 5.000 dòng hàng. Trả lời câu hỏi về việc tác động Luật Thuế XK, thuế NK mới tới việc giảm thu NSNN, ông Phạm Tuấn Anh cho biết, đến nay Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định FTA, quá trình giảm tỉ trọng thu từ thuế XNK đã diễn ra từ khi Việt Nam là thành viên của WTO. Vì vậy, tỉ trọng thu đã được điều chỉnh trên các thuế ưu đãi, tác động giảm thu chỉ từ 20-25%, nhưng thực tế ưu đãi từ thực hiện các cam kết cũng sẽ tăng lên, và tác động tích cực tới nền kinh tế đất nước, tăng cường năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. |