Theo các chuyên gia, mức thuế quan toàn diện do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mới đây sẽ có hiệu ứng lan tỏa trên toàn ngành công nghệ.
Ngay sau quyết định áp thuế với một loạt đối tác thương mại chính như Châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc, cổ phiếu của các công ty hàng đầu nước Mỹ bao gồm Apple, Amazon và Tesla đã giảm mạnh khi chuyên gia nhận định mức thuế quan sẽ gây ra sự xáo trộn quy mô lớn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, theo FT.
Giá cổ phiếu của Meta và Nvidia đều giảm khoảng 5%, trong khi Apple và Amazon giảm khoảng 6%.
Nhưng đợt sụt giảm thị trường này có thể chỉ là khởi đầu.
Apple đang rơi vào thế khó.
Nhà phân tích Daniel Ives của Wedbush viết rằng đợt áp thuế mới này "tệ hơn cả kịch bản tệ nhất" mà thị trường lo ngại.
"Cổ phiếu công nghệ rõ ràng sẽ chịu áp lực lớn sau thông báo này vì lo ngại về sự tàn phá nhu cầu, chuỗi cung ứng và đặc biệt là phần thuế quan đối với Trung Quốc, bao gồm Đài Loan".
Đa số các công ty đều chịu ảnh hưởng nhưng đòn giáng của ông Trump tác động lên các gã khổng lồ công nghệ có mức độ "mạnh, nhẹ" khác nhau. Trong đó, Nvidia có lẽ là cái tên may mắn hơn cả.
Hiện tại, ông Trump đã miễn trừ cho một loại hàng nhập khẩu công nghệ quan trọng: chất bán dẫn. Điều đó có nghĩa là các công ty như Nvidia sử dụng các con chip tiên tiến do TSMC sản xuất sẽ không phải trả mức thuế 32% mà ông Trump áp dụng cho Đài Loan (Trung Quốc).
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu TSMC có phải chịu mức thuế chung tối thiểu 10% hay không. Theo một ước tính, khoảng 44% chip nhập khẩu vào Mỹ đến từ Đài Loan.
Ngược lại, nạn nhân đen đủi nhất có lẽ là Apple, công ty đã tìm đủ mọi cách thoát khỏi mối đe dọa áp thuế kể từ khi ông Trump lên nắm quyền cách đây nhiều năm, nhưng xui xẻo vẫn đeo bám.
Khi Tổng thống Trump áp thuế lần đầu tiên đối với Trung Quốc vào năm 2018, Apple đã chuyển nhiều hoạt động sản xuất iPhone sang Ấn Độ để hạn chế tác động.
Nhưng với mức thuế quan mới lần này, chiến lược đó lại tiếp tục phản tác dụng đối với công ty đại chúng có giá trị nhất thế giới.
Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Trump cho biết sẽ áp thuế 26% đối với Ấn Độ, tiếp tục gây sức ép lên chuỗi sản xuất non trẻ của Apple.
Mức thuế này đe dọa sẽ làm gia tăng áp lực lên hoạt động kinh doanh của Apple. Công ty hiện đang phải đối mặt với mức thuế 20% đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, nơi Apple sản xuất khoảng 90% iPhone bán trên toàn thế giới. Ông Trump cho biết mức thuế sẽ tăng lên 34% theo kế hoạch thuế quan mới.
Tình cảnh của Nvidia không quá tồi tệ sau mức thuế quan mới của Tổng thống Trump.
Các sản phẩm iPhone, iPad và Apple Watch mà Apple bán ra đóng góp 3/4 trong tổng doanh thu hàng năm gần 400 tỷ USD của công ty. Mức thuế mới sẽ làm giảm lợi nhuận, khiến Apple phải bù lỗ hoặc gián tiếp chuyển những chi phí gia tăng đó cho khách hàng bằng cách tăng giá sản phẩm.
Theo Morgan Stanley, thuế quan đối với iPhone và các thiết bị khác nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ làm tăng chi phí hàng năm của Apple thêm 8,5 tỷ USD.
Quay lại quá khứ vào năm 2017, khi ông Trump nhậm chức, Apple đã lường trước những biến động ngày hôm nay bằng cách thiết lập mới dây chuyền lắp ráp iPhone tại Ấn Độ.
Phải mất 5 năm để đào tạo công nhân và xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất những chiếc iPhone tại quốc gia này. Apple đang trong quá trình tăng sản lượng tại đây, với hy vọng các nhà máy sẽ sản xuất khoảng 25% trong số 200 triệu chiếc iPhone mà công ty bán ra hàng năm.
Theo NY Times, Ấn Độ hấp dẫn vì Apple muốn thúc đẩy doanh số bán iPhone tại thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới.
Nhưng mức thuế quan mới một lần nữa làm khó Apple khi không còn địa điểm sản xuất nào khả dĩ mà công ty có thể chuyển đến. Trong khi đó, việc đầu tư sản xuất tại chính nước Mỹ như một cách làm dịu lòng chính quyền Trump không phải là phương án khả thi.
Apple đã từng gặp nhiều rắc rối trong quá khứ với hoạt động sản xuất tại Mỹ. Nhà máy sản xuất máy Mac tại Texas gặp vấn đề khi công nhân thường xuyên bỏ việc, buộc công ty phải đóng cửa dây chuyền lắp ráp. Công ty cũng gặp khó khăn trong việc tìm nhà cung cấp có thể sản xuất các thành phần cần thiết như một chiếc vít tùy chỉnh.
Ông Cook từng nói rằng Mỹ không có đủ công nhân sản xuất lành nghề để cạnh tranh với Trung Quốc. Tại một hội nghị vào cuối năm 2017, người đứng đầu Apple cho biết Trung Quốc là một trong số ít nơi công ty có thể tìm thấy những người có khả năng vận hành các máy móc hiện đại sản xuất ra sản phẩm một cách đáng tin cậy.
"Ở Mỹ, không chắc một cuộc họp giữa các kỹ sư máy móc có thể lấp đầy được căn phòng", ông Cook nói. "Còn ở Trung Quốc, số kỹ sư có thể lấp đầy nhiều sân bóng đá".
Nhưng Apple chưa hẳn đã hết hy vọng. Dù Nhà Trắng cho biết mức thuế mới có hiệu lực ngay lập tức, nhưng một số chuyên gia thương mại coi đây là biện pháp sơ bộ và được thiết kế để làm điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán với các quốc gia.