Chỉ số Quản lý thu mua PMI của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan vẫn ở trong vùng tiêu cực. Ngân hàng Jibun của Nhật Bản và IHS Markit PMI đã báo cáo chỉ số PMI giảm xuống từ 49,4 vào tháng 7 xuống còn 49,3 trong tháng 8, và đã giảm liên tục 8 tháng liên tiếp. Chỉ số PMI IHS Markit của Đài Loan đã giảm xuống 47,9 (từ 48,1 tháng 7).
Trong khi IHS Markit PMI của Hàn Quốc đã tăng lên 49 (từ 47.3 tháng 7), ngành sản xuất của Hàn Quốc vẫn bị thu hẹp.
Ba quốc gia kể trên là một số trong những quốc gia châu Á chịu nhiều ảnh hưởng của căng thẳng thương mại nhất. Sự bùng nổ công nghệ đang có dấu hiệu chững lại, nhu cầu toàn cầu đang suy yếu.
IHS Markit PMI theo báo cáo của Caixin Media Trung Quốc đã tăng lên 50,4 (từ 49,9 tháng 7), cho thấy sự hồi phục mới và là mức tăng cao nhất kể từ tháng 3. Tuy nhiên, PMI sản xuất chính thức của quốc gia đã giảm xuống 49,5, theo dữ liệu công bố hôm 31/8/2019 của Cục Thống kê Quốc gia.
Chỉ số PMI của Ấn Độ giảm xuống 51,4 trong tháng 8, mức yếu nhất trong vòng hơn một năm trở lại đây.
Đông Nam Á dù được đánh giá là khu vực hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, vẫn cho thấy sự thiệt hại khi PMI của Indonesia trượt sâu hơn, xuống 49,0 vào tháng 8 - mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2017.
PMI Thái Lan đã giảm xuống 50,0 vào tháng 8 (từ 50,3 tháng 7). Trong khi chỉ số của Philippines đã giảm xuống 51,9 vào tháng 8 (từ 52,1 tháng 7), Chỉ số PMI IHS Markit Myanmar giảm xuống mức thấp nhất trong bảy tháng là 52,0 vào tháng 8 (từ 52,9 tháng 7), tuy giảm nhưng PMI của Myanmar vẫn đang duy trì cao nhất Đông Nam Á.
Theo Tradingeconomics, so với tháng 7, chỉ số PMI sản xuất IHS Markit Việt Nam của đã giảm khá sâu xuống 51,4 vào tháng 8 năm 2019 (từ mức 52,6). Tăng trưởng sản lượng chậm lại ở mức thấp nhất trong vòng 21 tháng gần đây. Các đơn đặt hàng mới cũng tăng thấp.
PMI của Malaysia là yếu nhất khu vực, giảm xuống 47,4 vào tháng 8 (từ 47,6 tháng 7).