Thuế tài sản làm giảm thu nhập và chi tiêu hộ gia đình Muốn thu thuế tài sản, phải giải thích sòng phẳng cho dân Mua bán, thuê tài sản Nhà nước phải theo giá thị trường
Là một sắc thuế động chạm tới rất nhiều người nên vừa đưa ra, Thuế tài sản đã vấp phải phản ứng từ dư luận. Ngay như tên gọi Thuế tài sản, theo các chuyên gia tham dự hội thảo, nó cũng quá rộng và chưa chuẩn xác.
PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cho rằng: “Không ai thích bị đánh thuế nên cứ nói đến việc có một sắc thuế mới, dĩ nhiên sẽ bị phản ứng. Thuế tài sản rất phức tạp và theo tôi không nên gọi chung là thuế tài sản, mà là thuế đất đai, thuế bất động sản (BĐS) hay của cải ròng. Và quan trọng nhất là phải chi minh bạch, rõ ràng, hợp lý thì mới thu được, không thể cứ nói thu là thu”, ông Cường nói.
Đến từ Công ty Nghiên cứu thị trường Vietanalytics, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cũng cho rằng, phải rõ ràng mục đích thu thuế, nếu việc thu thuế không hiệu quả và chỉ phục vụ mục đích tạo nguồn thu thì phải tìm sắc thuế khác. Cần xem xét và cân nhắc kỹ trước khi triển khai cụ thể.
Ngưỡng đánh thuế nhà ở giá trị từ 700 triệu đồng gây ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của nhiều người dân.
Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng đang có sự “ôm đồm” về đối tượng đánh thuế. Theo ông Nghĩa "đánh thuế đất là hợp lý, chứ không nên đánh thuế nhà, và giá trị đất thì theo định giá của chính quyền địa phương, nếu không sẽ tạo cơ hội cho tham nhũng”.
TS. Nguyễn Việt Cường (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) tính toán theo kết quả dự báo, thuế tài sản làm giảm thu nhập khả dụng, chi tiêu thực tế và tăng tỷ lệ nghèo. Cụ thể, thu nhập khả dụng giảm 0.9%; Chi tiêu thực tế giảm 0.7%.
“Thuế tài sản được xem là cú sốc về thu nhập và tiêu dùng. Thu nhập khả dụng - tức tiền có thể chi tiêu được sẽ giảm đi trong ngắn hạn. Những hộ cận nghèo có thể thành nghèo vì bị cắt giảm chi tiêu”, TS Cường cho biết kết quả phân tích các phương án đánh thuế tài sản khác nhau cho thấy với phương án thuế suất 0,3% và ngưỡng chịu thuế 2 tỉ đồng đối với nhà ở là có tác động nhỏ nhất đối với hộ gia đình.
Cụ thể, với ngưỡng 2 tỉ đồng, nếu thuế suất là 0,3%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 763.000 đồng (bằng 0,53% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 525.000 đồng (bằng 0,22% tổng chi tiêu). Nếu thuế suất là 0,4%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,019 triệu đồng (bằng 0,72% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 700.000 đồng (bằng 0,29% tổng chi tiêu).
Đối với ngưỡng 700 triệu đồng, nếu thuế suất 0,3% thì mức thuế mỗi hộ phải nộp là 978.000 đồng (bằng 0,66% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 638.000 đồng (bằng 0,27% tổng chi tiêu). Nếu thuế suất là 0,4%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,3 triệu đồng (bằng 0,89% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 851.000 đồng (bằng 0,36% tổng chi tiêu).
"Phương án thuế suất 0,4% và ngưỡng chịu thuế 1 tỉ đồng là có tác động nhỏ hơn đến các gia đình nhưng vẫn duy trì được doanh thu thuế cao. Theo mức này, trung bình hộ gia đình sẽ đóng khoảng 1,19 triệu đồng tiền thuế tài sản mỗi năm"- ông Cường dẫn chứng.
Nhìn theo một khía cạnh khác, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định Thuế tài sản, đặc biệt là thuế BĐS, tuy không phải nguồn quan trọng đối với ngân sách quốc gia, nhưng là nguồn thu quan trọng ở địa phương tại hầu hết các nước. Nguồn thu này giúp cải thiện chi tiêu công tại địa phương.
Tuy nhiên, theo TS Thành, Thuế tài sản nếu được ban hành như dự thảo hiện nay sẽ làm giảm thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình, dù nó không ảnh hưởng tới đói nghèo và chủ yếu làm giảm thu nhập của người giàu.
Do đó, chỉ số bất bình đẳng được cải thiện nhưng chủ yếu do người giàu bị nghèo đi chứ không phải do người nghèo được cải thiện. Vì vậy, đây không phải một sắc thuế bền vững, nếu chi tiêu công không thúc đẩy phúc lợi và năng suất toàn xã hội.
Theo kinh nghiệm quốc tế, thuế BĐS là loại thuế địa phương và chính quyền địa phương có quyền hạn nhất định trong việc đặt ra thuế suất. Thuế BĐS không nhằm phân phối lại thu nhập mà là phân định lại khu dân cư (zoning).
Nếu ngân sách địa phương không minh bạch và nguồn thu từ thuế BĐS không được dùng để cải thiện cơ sở hạ tầng và an ninh địa phương thì sẽ gây bất bình trong công luận. Đấy là chưa kể một số sản phẩm lâu bền được coi là “tài sản” cần lưu ý tránh áp thuế tài sản để tránh bị trùng, hoặc có thể sử dụng các loại thuế khác tiện lợi hơn như thuế trước bạ hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đặc biệt, phải nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của ngân sách ở mọi cấp là điều cần thiết. Muốn cải thiện thu (được sự đồng thuận của người dân), phải nâng tính giải trình trong các khoản chi ngân sách, TS Thành góp ý.