Đây là tính toán của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách vừa được đưa ra tại hội thảo về khả năng áp dụng và tác động của thuế tài sản.
Theo tính toán, với ngưỡng tính thuế tài sản 700 triệu đồng mà Bộ Tài chính đang “ưu tiên” đề xuất, nếu thuế suất 0,3% thì mức thuế tài sản mỗi hộ phải nộp là 978.000 đồng, kéo theo mức chi tiêu của hộ gia đình giảm đi 638.000 đồng; Nếu thuế suất là 0,4% thì mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,3 triệu đồng, mức chi tiêu giảm đi 851.000. Với phương án này, mỗi năm ngân sách thu được gần 30.000 tỉ đồng.
30.000 tỉ đồng, bằng đúng mức “đội vốn” của dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên.
30.000 tỉ đồng, chỉ gấp đôi mức 15.000 tỉ đồng mà chúng ta từng dự định chi cho ASIAD 19.
Và 30.000 tỉ đồng, chỉ bằng 2 lần thiệt hại mà nguyên Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình gây thiệt hại bằng cách “làm đúng lương tâm” và với động cơ trong sáng.
Từ câu chuyện “làm đúng lương tâm” và “động cơ trong sáng” ấy cho thấy ngân sách không phải tính đếm từng đồng, không phải bổ đầu dân hay đẻ ra các luật thuế mới mà chúng ta thực sự có trách nhiệm với từng đồng thuế của dân.
Trong khi đó, 1,3 triệu đồng với phúc lợi mỗi hộ gia đình lại không hề nhỏ. Lưu ý mức tăng lương “kịch khung” từ 1.1.2019 tới chỉ là 200.000 đồng, một mức được đánh giá là chưa đủ bù đắp lạm phát.
Khoản thu cho ngân sách và phúc lợi hộ gia đình đúng là một bài toán không dễ. Nhất là khi những con số tuyệt đối 900.000 đồng hay 1,3 triệu đồng mà cả chục triệu hộ gia đình phải chịu chưa phản ánh hết mức độ ảnh hưởng. Bởi dù thuế suất chỉ 0,3 hay 0,4% nhưng thuế tài sản sẽ làm giảm thu nhập khả dụng 0,9%, giảm chi tiêu thực tế 0,7%.
Huống chi ngưỡng thuế 700 triệu đồng thực chất đang nhắm cả vào nhóm cận nghèo, thu nhập thấp tại thành phố.
Huống chi người dân đang phải chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bản chất cũng là một thứ thuế tài sản.
Cần phải xem lại sắc thuế này, bắt đầu từ ngưỡng chịu thuế. Cần phải xem lại 30.000 tỉ đồng thu được trong việc sử dụng chúng, và trong cả sự tác động tới hơn 2 triệu hộ gia đình. Cần phải xem lại, trong khuyến cáo rằng “đây không phải là sắc thuế bền vững, nếu chi tiêu công không thúc đẩy phúc lợi và năng suất toàn xã hội”.