Nhiều chuyên gia cho rằng thuế tài sản là nguồn thu ngân sách quan trọng ở cấp địa phương, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện. Do vậy, khi xây dựng Luật Thuế tài sản, cần cân nhắc phương án để lại nguồn thu cho địa phương.
Nguồn thu để phát triển hạ tầng
TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho biết thuế bất động sản chiếm 80% thu ngân sách địa phương ở Thái Lan, 36% tại Chile, 40% tại Ba Lan. Việt Nam nên nghiên cứu theo hướng thuế tài sản là một sắc thuế địa phương, tạo nguồn thu cho địa phương. Tại nhiều nước như Úc, Pháp, Tây Ban Nha…, thuế tài sản cũng chiếm quá nửa nguồn chi tiêu cho các địa phương.
Theo ông Cường, ở các thành phố lớn, mức thuế suất có thể cao hơn; đổi lại, địa phương đó sẽ đầu tư mạnh về hạ tầng. "Đơn cử một căn hộ ở quận Tây Hồ, TP Hà Nội chẳng hạn, nơi có vị trí đẹp, giá trị căn hộ theo thị trường cao, nên mức thuế đóng cũng phải tương xứng. Sau đó, địa phương sẽ tiếp tục đầu tư vào hạ tầng phục vụ chính người dân" - ông Cường dẫn chứng.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính công Đinh Tuấn Minh cho biết ở các nước, thuế tài sản cấu thành sắc thuế địa phương. Nguồn thu từ đây sẽ được sử dụng để đầu tư cơ sở hạ tầng, mang lại phúc lợi cho người dân. Điều này sẽ thay đổi nhận thức của họ, nâng cao trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
"Để đạt được điều đó, cơ quan quản lý cần tăng tính minh bạch và trách nhiệm trong việc thu và quản lý nguồn thu. Tôi tin rằng khi nguồn thu được để lại cho địa phương, chi tiêu minh bạch, đầu tư công mạnh mẽ thì người dân sẽ nâng cao nghĩa vụ đóng góp với ngân sách của địa phương" - ông Đinh Tuấn Minh phân tích.
Theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh Việt Nam đang trông chờ vào các nguồn vốn vay từ nước ngoài thì nguồn thu từ thuế tài sản cho ngân sách địa phương sẽ đầu tư cho phát triển hạ tầng, tránh phụ thuộc vào các khoản vay. "Các địa phương sẽ thu thuế bởi đây là nơi nắm rõ nhất tài sản của cá nhân và doanh nghiệp. Đồng thời, họ có cơ sở để đánh thuế theo giá thị trường đối với từng tài sản, từng khu vực khác nhau" - ông Đinh Tuấn Minh nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia đề xuất khi thu thuế tài sản, cần để nguồn thu cho địa phương đầu tư vào hạ tầng
Xây dựng cơ sở dữ liệu nhà, đất
Bên cạnh những băn khoăn về ngưỡng đánh thuế tài sản cũng như mức thuế suất, nhiều chuyên gia còn tỏ ra lo lắng vì cơ sở dữ liệu về nhà, đất của Việt Nam chưa đầy đủ. Câu hỏi đặt ra là cơ quan chức năng làm gì để triển khai thu thuế bảo đảm công bằng. Thực tế hiện nay, không ít trường hợp sở hữu nhiều nhà, đất, cho đứng tên nhiều người khác nhau trong khi cơ sở dữ liệu để quản lý chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, một số lượng lớn nhà, đất chưa được cấp quyền sử dụng đất và chứng nhận quyền sở hữu nhà cũng gây khó cho công tác này.
PGS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cũng chỉ rõ việc chưa có cơ sở dữ liệu nhà, đất là khó khăn lớn khi xây dựng và áp dụng thuế tài sản ở Việt Nam. "Dữ liệu về nhà, đất hiện nay không thống nhất, chưa được quản lý đầy đủ. Đáng chú ý là những dữ liệu về giá trị tài sản để xác định mức đánh thuế" - ông Cường nói.
Còn nhiều lo ngại, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng thuế tài sản là cần thiết nhưng cần phải nghiên cứu kỹ, xem xét đầy đủ các tác động. "Chúng ta phải có phương án để xác định được ngôi nhà nào nằm trong diện đánh thuế, ngôi nhà nào không" - ông Hồ bày tỏ.
Trước đề xuất để lại nguồn thu từ thuế tài sản cho địa phương, PGS-TS Hoàng Văn Cường cho biết tại Việt Nam, cơ chế ngân sách là tập trung, cho dù nguồn thu đó ở địa phương thì vẫn nằm trong tổng thể của ngân sách quốc gia. Trên cơ sở nguồn thu từ thuế tài sản tại các địa phương, trung ương sẽ có những tính toán, cân đối để phân bổ hợp lý.
Ông Cường cũng hoàn toàn ủng hộ việc nguồn thu từ thuế tài sản sẽ đầu tư phát triển hạ tầng, công ích cho địa phương. Thu thuế tài sản sẽ làm giảm tình trạng đầu cơ bất động sản, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên không tái tạo được của quốc gia.
Định giá tài sản theo thị trường
Về định giá nhà, đất để tính thuế, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần áp dụng theo giá thị trường thay vì khung giá nhà, đất do UBND cấp tỉnh quy định.
Theo các chuyên gia, giá trị nhà, đất mỗi địa phương là khác nhau, đặc biệt là giữa các thành phố lớn so với các tỉnh. Thậm chí, trong một thành phố nhưng giá trị nhà, đất đã chênh lệch nhau rất lớn. Việc áp dụng theo giá thị trường phải được cập nhật theo biến động để làm căn cứ tính thuế tài sản.