Theo lộ trình thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) và thu hút đầu tư, năm 2018 sẽ có nhiều thay đổi về chính sách thuế ở diện rộng, tác động đến nhiều lĩnh vực.
Thay đổi cách tính thuế
Một trong những sắc thuế đang được đề xuất điều chỉnh, có tác động khá lớn đến xã hội là sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Nội dung này có trong dự thảo Luật Sửa đổi 6 luật về thuế vừa được Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi báo cáo Thủ tướng xem xét trình Quốc hội vào năm nay.
Cán bộ Cục Thuế TP HCM hướng dẫn người dân quyết toán thuế thu nhập cá nhân Ảnh: TẤN THẠNH
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án thay đổi cách tính thuế TNCN. Điểm chung của cả 2 phương án là đều giảm bậc thuế từ 7 còn 5 nhưng khác nhau về thuế suất.
Cụ thể, theo phương án 1, cá nhân có thu nhập chịu thuế từ 10 triệu đồng trở xuống sẽ chịu thuế TNCN 5% (gộp bậc 1 và bậc 2 hiện hành). Như vậy, những người có thu nhập tính thuế dưới 5 triệu đồng sẽ giữ nguyên mức thuế TNCN phải nộp, còn người có thu nhập tính thuế trên 5 triệu đồng sẽ được giảm thuế TNCN. Ví dụ, cá nhân có thu nhập tính thuế 10 triệu đồng/tháng sẽ được giảm thuế TNCN 250.000 đồng/tháng; thu nhập tính thuế 30 triệu đồng/tháng sẽ được giảm 850.000 đồng/tháng; thu nhập tính thuế 40 triệu đồng/tháng sẽ được giảm 750.000 đồng/tháng; thu nhập tính thuế 80 triệu đồng sẽ được giảm 650.000 đồng/tháng... Theo tính toán của Bộ Tài chính, với phương án này, số thu ngân sách sẽ giảm khoảng 1.300 tỉ đồng.
Góp ý cho dự thảo, nhiều ý kiến cho rằng việc sửa biểu thuế theo phương án này sẽ có lợi cho người giàu, còn cá nhân có thu nhập thấp không có lợi.
Phương án 2 được Bộ Tài chính đề xuất là bậc 1 (thu nhập tính thuế đến 5 triệu đồng) và bậc 2 (5-10 triệu đồng) sẽ giữ nguyên thuế suất hiện hành 5% và 10%. Bậc 3 (từ 10-40 triệu đồng) áp thuế 20%; bậc 4 (từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng) áp mức thuế 30%; bậc 5 (trên 80 triệu đồng) áp mức thuế 35%. Với phương án này, cá nhân có thu nhập từ bậc 3 trở lên sẽ tăng thuế so với hiện tại nhưng mức tăng thêm so với thu nhập của người có thu nhập cao không lớn. Ví dụ, cá nhân có thu nhập tính thuế 15 triệu đồng/tháng sẽ tăng thêm 250.000 đồng/tháng tiền thuế; thu nhập tính thuế 30 triệu đồng/tháng tăng thêm 400.000 đồng/tháng; thu nhập tính thuế 50 triệu đồng/tháng sẽ tăng thêm 500.000 đồng/tháng... Theo phương án này, tổng số thu ngân sách ước tăng khoảng 500 tỉ đồng.
Là cơ quan soạn thảo, Bộ Tài chính đề xuất chọn phương án 2.
Giảm thuế, giá ô tô chưa chắc giảm
Sự thay đổi khác trong chính sách thuế đang được dư luận quan tâm là giảm thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN. Chính phủ vừa ban hành 10 Nghị định về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong số 10 FTA có biểu thuế ASEAN (ATIGA) còn 7% dòng thuế được linh hoạt đến 2018, chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng như ô tô, xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô - xe máy... Theo đó, thuế nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ giảm từ 30% về 0% vào năm 2018.
Tại cuộc họp báo chuyên đề giới thiệu 10 nghị định nói trên, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), cho biết đối với mặt hàng ô tô, khi thuế nhập khẩu trong ATIGA giảm về 0% từ ngày 1-1-2018, nếu các thành tố khác được giữ nguyên mà thuế giảm thì sẽ góp phần giảm giá bán xe. Nhưng trong thực tế, giá xe trên thị trường có giảm hay không cần có những đánh giá tổng thể, không thể chỉ căn cứ vào thuế nhập khẩu.
Trả lời câu hỏi của báo chí về những tác động tới nguồn thu ngân sách khi nhiều dòng thuế nhập khẩu giảm về 0%, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng nhìn chung, ngân sách giảm thu từ hoạt động nhập khẩu, tuy nhiên vấn đề này đã được Bộ Tài chính tính toán kỹ lưỡng khi dự báo, xây dựng dự toán hằng năm. Theo tính toán, khoảng 5% số dòng thuế có thay đổi thuế suất, giảm không đáng kể so với năm 2016, nên gần như không tác động lớn đến số thu ngân sách.