Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các nước ASEAN đã thực hiện giảm thuế về 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) cho mặt hàng đường, ngoại trừ một vài nước như Philippines, Campuchia, Việt Nam giữ mức thuế suất là 5%, Indonesia 5-10% và Myanmar 0-5%.
Song theo lộ trình cam kết, thuế này bắt buộc phải giảm về 0% đối với tất cả các nước ký kết khi thời gian ấn định đã đến.
Như vậy chỉ còn hơn tháng nữa, hạn ngạch nhập khẩu đường được dỡ bỏ, thuế xuất nhập khẩu mía đường từ các nước trong khu vực ASEAN chỉ còn 0%. Dự báo mặt hàng đường nói riêng cũng như nhiều hàng hóa khác từ các nước ASEAN sẽ ồ ạt “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam tạo nên sức ép không hề nhỏ đối với các DN trong nước.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường, mới đây Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho lùi thời gian thực hiện cam kết trong khối ASEAN theo Hiệp định ATIGA đến năm 2022, nếu sớm hơn là năm 2020.
Thay vào đó, lượng nhập khẩu đường theo hạn ngạch sẽ tiếp tục được tăng lên 10% so với mức 5% của năm 2017.
Theo VSSA, trước sức ép cực lớn từ ATIGA thì cần có những chính sách hỗ trợ DN lẫn người nông dân trồng mía.
Ngành đường trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn khi đường nhập khẩu vào ồ ạt trong khi giá đường Việt Nam hiện cao hơn các nước trong khu vực do chi phí sản xuất cao.
Chỉ còn hơn tháng nữa Hiệp định ATIGA có hiệu lực, chắc hẳn cuộc cạnh tranh của ngành đường Việt Nam sẽ không chỉ có Thái Lan mà còn nhiều nước khác trong và ngoài khu vực.
Một số chuyên gia cho rằng, hơn lúc nào hết, nông dân trồng mía, doanh nghiệp mía đường Việt Nam đang rất cần sự quan tâm, đảm bảo quyền lợi hợp pháp từ chính phủ, bằng cách xem xét kỹ lưỡng về vấn đề trợ giá và bán phá giá của Thái Lan.
Trong thời gian ngành mía đường Thái Lan đang bị Brazil cáo buộc vi phạm hiệp định thương mại quốc tế, chính phủ Việt Nam nên tạm thời chưa mở cửa hoàn toàn thị trường đường cho Thái Lan; hạn chế hạn ngạch nhập khẩu đường từ Thái Lan thêm vài năm nữa.
Đồng thời hỗ trợ nông dân trồng mía và các doanh nghiệp mía đường trong nước tập hợp các chứng cứ pháp lý về việc ngành mía đường Thái Lan vi phạm các quy định của WTO để buộc ngành đường Thái Lan vận hành theo đúng quy định thương mại quốc tế; tạo sự công bằng cho việc cạnh tranh giữa ngành mía đường Việt Nam với các nước khác, đặc biệt Thái Lan trong hội nhập quốc tế.