Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) nhấn mạnh tại phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, ngày 1/6.
Nói về đầu tư công, điều chúng ta thường nghĩ đến là không có tiền đầu tư. Tuy nhiên, thời gian qua đầu tư công lại luôn tồn tại một nghịch lý, đó là có vốn nhưng chậm phân bổ, chậm triển khai đã trở thành căn bệnh nhức nhối không chỉ gây bức xúc mà còn cản trở sự phát triển của đất nước.
Nhà thầu không đủ năng lực
Nếu so với cùng kỳ năm 2021, trong 4 tháng đầu năm 2022 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tương đương nhau. Cụ thể, 4 tháng 2022 là 18,48 % còn 4 tháng đầu năm 2021 là 18,65 %. Điều này cho thấy, Thủ tướng Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt trong giai đoạn thực hiện mục tiêu kép cho đến giai đoạn bình thường mới.
Tuy nhiên, nhìn vào kết quả giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương thì rất có vấn đề. Đó là, trong 4 tháng đầu năm 2022 có 43 trên 51 bộ và 28 trên 63 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt dưới 17 %. Còn 17 bộ cơ quan Trung ương thì từ khi phân bổ vốn đến hết tháng 4 vẫn chưa thực hiện giải ngân.
Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh có 3 nguyên nhân chính khiến cho việc giải ngân vốn đầu tư công chậm.
Thứ nhất, bộ, ngành, địa phương cố đưa dự án vào kế hoạch đầu tư công, khi được phân bổ từ Trung ương mới bắt đầu phân bổ cụ thể nên gặp vướng mắc dẫn đến chậm trong phân bổ.
Thứ hai, công tác giải phóng mặt bằng chậm không lường trước những khó khăn.
Thứ ba, lựa chọn nhà thầu không có đủ năng lực. Đây mới là vấn đề cốt lõi. Việc lựa chọn nhà thầu lâu nay rất nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực thường được “cài cắm” lợi ích, nhưng xử lý rất khó vì thiếu kiên quyết và các thể chế.
Trong báo cáo bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, những năm đầu Chính phủ đã đề ra nhiệm vụ giải pháp.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh rất tâm đắc với giải pháp điều chuyển vốn từ bộ, ngành, địa phương chậm cho ngành địa phương làm tốt. Song, thực hiện không phải dễ vì theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 không thể điều chỉnh vốn ngân sách từ địa phương này cho các địa phương khác.
Câu hỏi đặt ra, liệu phải chăng biết quy định của luật như vậy nên một số địa phương “đủng đỉnh” trong giải ngân vốn đầu tư công? Và làm gì để xử lý dứt điểm căn bệnh “trầm kha” này?
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị, cần phải minh bạch trong lựa chọn nhà thầu, vì hiện nay có quá nhiều “chiêu thức” để chủ đầu tư gây khó khăn cho nhà thầu chân chính nhằm tạo điều kiện cho các nhà thầu “sân sau” quen biết.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, đã có những trường hợp “quây thầu” hoặc “vây thầu”. Yêu cầu đặt ra là phải xử quyết liệt trong vấn đề này và “nhìn qua” thì rất dễ.
Nhưng thực hiện là rất khó, vì không phải nhà thầu nào đủ năng lực cũng “chen” vào, vì theo quy định của pháp luật đối với các dự án đầu tư công chúng ta phải thực hiện đấu thầu.
Tuy nhiên, qua khảo sát các dự án gần đây cho thấy số tiền “chênh” so với mức chủ đầu tư đưa ra là không nhiều, nói cách khác là rất “sát”. Nhưng sau khi trúng thầu thì họ “chây ỳ”, khi đó bù trượt giá còn cao hơn chỉ định thầu.
Cần một cuộc “cách mạng” trong lập dự án
Vẫn theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công cùng hệ thống pháp luật liên quan vẫn còn những “lỗ hổng”, nên dẫn đến việc thực thi pháp luật chưa hiệu quả và chưa nghiêm.
Toàn cảnh phiên thảo luận.
“Do đó, chúng ta cần một cuộc cách mạng trong việc lập các dự án mới, trên tinh thần chủ động thực hiện cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn các khâu xin ý kiến và chờ thông qua mới triển khai lập dự án mời thầu đấu thầu”, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Vì thực tế, một số dự án thời gian qua thực hiện quy chế quy trình đấu thầu gấp đôi thời gian chỉ định thầu. Ví dụ, dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông. Việc lựa chọn nhà thầu tư vấn thời gian thực hiện quy trình đấu thầu mất 58 ngày, trong khi chỉ định thầu 29 ngày. Lựa chọn nhà thầu xây lắp đấu thầu cần 76 ngày, còn chỉ định thầu là 41 ngày.
Thời gian dài cũng khiến dự toán bị lỗi thời và làm tăng chi phí, tính khả thi không cao khi áp dụng vào thực tế bài học từ dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
“Nếu Thủ tướng không quyết liệt với việc chỉ định thầu thì thử hỏi tiến độ phê duyệt 12 dự án thành phần đến bao giờ mới hoàn thành để đưa vào triển khai thi công”, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nói.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề xuất, đối với các dự án đầu tư công cần linh hoạt cho phép chỉ định thầu rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu có năng lực, có uy tín “xách tay” theo từng dự án đối với quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015.
Quốc hội cần xem xét sửa hoặc ban hành Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc điều chuyển vốn đầu tư công năm 2002 của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương chậm triển khai cho các đơn vị dự án khác có khả năng hoàn thành sớm phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế xã hội của đất nước.
Bên cạnh những bất cập trong giải ngân vốn đầu tư công, theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, việc lập, giao dự toán thu ngân sách cấp phát sinh nhiều bất cập, gây áp lực cho từng ngành từng địa phương.
Một trong những lĩnh vực mà địa phương rất khó lập dự toán sát với thực tế là thu tiền sử dụng đất. Thời gian qua, thị trường bất động sản sôi động khắp cả nước khiến cho thu tiền sử dụng đất tại nhiều địa phương tăng cao như tại tỉnh Bình Phước.
Năm 2020, thu tiền sử dụng đất đạt 3.320 tỷ đồng, vượt 2.420 tỷ đồng, vượt 269% so với dự toán trung ương giao năm 2021, đạt 4.755 tỷ đồng vượt 3.555 tỷ đồng vượt 296 % so với dự toán Trung ương giao.
Nguyên nhân theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh là do tỉnh quy hoạch các đô thị, vệ tinh nâng cấp đơn vị hành chính và dòng vốn đầu tư trong ngoài nước chảy mạnh và Bình Phước.
Từ đó đã hình nên thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, mở ra các tuyến đường mới góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản, tạo cơ hội cho địa phương triển khai đấu giá đất hiệu quả, góp phần bổ sung nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, tiền sử dụng đất là nguồn thu ở các địa phương được xác định là không bền vững và mang tính thời điểm. Một khi thị trường ổn định, bão hòa thì quỹ đất và định mức đất không còn nguồn thu từ sử dụng đất và khi đó sẽ trở về vị trí thật của nó.
“Do đó, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp khơi thông dòng vốn cho sản xuất kinh doanh, quyết liệt hơn nữa trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án giao thông, trọng điểm kết nối vùng để tạo động lực cho nền kinh tế phát triển bền vững. Đồng thời, cần có đủ chế tài đối với những tổ chức, cá nhân thực hiện chậm giải ngân vốn đầu tư công để không còn điệp khúc biết rồi khổ lắm nói mãi”, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nói.