Ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) của đất nước tỷ dân đang bùng nổ mạnh mẽ và sẽ trở thành một ngành công nghiệp trị giá hàng nghìn tỷ USD trong vài năm tới nếu tiếp tục quỹ đạo hiện tại. Nó có thể sớm thay thế Mỹ trở thành thị trường lớn nhất trên thế giới.
Theo các nhà phân tích, một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự bùng nổ trên là ngày càng có nhiều người tiêu dùng trẻ ăn tối ở ngoài hoặc đặt giao đồ ăn tận nhà sau một ngày làm việc tại văn phòng.
Jacky Wong, quản lý của một đơn vị kinh doanh ngành dịch vụ và khách sạn tại Trung Quốc cho biết những người trẻ thuộc thế hệ 9x đã đóng góp hơn một nửa doanh số ngành nhà hàng trong năm ngoái.
Wong cho biết: "Họ thường làm việc ngoài giờ, thức khuya nên cần một bữa ăn gọn nhẹ và ngon lành. Các nhà hàng và cửa hàng đồ ăn cùng dịch vụ giao hàng đang trở thành lựa chọn hàng đầu của họ".
Dịch vụ giao đồ ăn đang bùng nổ tại Trung Quốc.
Dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc vào tháng 7 cho thấy doanh thu của ngành khách sạn – nhà hàng trong nửa đầu năm 2019 đã tăng 9,4% lên 628 tỷ USD. Trong đó, thực phẩm và đồ uống chiếm 11,2% tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng của Trung Quốc. Dự kiến, ngành công nghiệp này sẽ đạt trị giá 927 tỷ USD mỗi năm vào năm 2023.
Sự phát triển của các chuỗi nhà hàng tại Trung Quốc đang tạo ra nhiều cơ hội đầu tư mới đồng thời giúp một số nhà sáng lập trở nên vô cùng giàu có. Ngoài ra, nhiều chuỗi nhà hàng cũng đang cân nhắc đến việc IPO trong tương lai.
Kể từ khi chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao huy động thành công 970 triệu USD qua đợt IPO vào tháng 9/2018, cổ phiếu của họ đã tăng gấp đôi, nâng mức vốn hóa công ty lên 23 tỷ USD. Nhà sáng lập và CEO của Haidilao, Zhang Yong vừa xuất hiện trong danh sách người giàu nhất Singapore do Forbes công bố với tài sản ước tính 13,8 tỷ USD, qua đó, ông chính thức trở thành người giàu nhất nước này sau khi nhập quốc tịch Singapore.
Tỷ phú Zhang Yong, nhà sáng lập và CEO của Haidilao.
Xiabuxiabu là một chuỗi nhà hàng lẩu khác xuất hiện tại Trung Quốc từ năm 1998 cũng đang trên con đường phát triển giống như Haidilao. Nhà sáng lập người Đài Loan, Ho Kuang-chi hiện sở hữu tài sản 670 triệu USD.
Doanh thu năm 2018 của Xiabuxiabu là 665 triệu USD, nhỏ hơn nhiều so với 2,4 tỷ USD của Haidilao. Mặc dù vậy, doanh thu của Xiabuxiabu đã răng 30% trong năm qua và tăng gấp đôi từ năm 2014 đến 2018.
Sự mở rộng của cả Haidilao và Xiabuxiabu sẽ nhanh chóng đạt đến đỉnh điểm. Sử dụng nguồn vốn từ IPO, Haidilao đã tăng số lượng nhà hàng từ 273 lên 466 chi nhánh. Năm ngoái, Xiabuxiabu đã mở thêm 195 nhà hàng mới, nâng tổng số cơ sở của họ lên 934.
Một nhà hàng Haidilao đông nghịt khách.
Một chuyên gia nhận định: "Chi phí tăng cùng với việc mở thêm nhiều chi nhánh để tăng tính cạnh tranh sẽ khuyến khích các chuỗi nhà hàng nổi tiếng tìm kiếm nguồn đầu tư từ bên ngoài hay thậm chí là IPO để nâng cấp hoạt động của mình. Sự thành công của Haidilao và Xiabuxiabu nằm ở chỗ họ nắm giữ chuỗi cung ứng dựa trên dữ liệu và tập trung vào sản phẩm".
Trong khi đó, các công ty nhà hàng có trụ sở tại Hong Kong cũng đang cố gắng cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc để bù đắp cho những điều kiện kinh doanh khó khăn tại quê nhà.
Doanh thu của Café de Coral, một chuỗi nhà hàng thuộc sở hữu gia đình đã hoạt động được hơn nửa thế kỷ đạt 85% tại Hong Kong. Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, con số này hầu như không thay đổi trong khi doanh thu từ Trung Quốc đại lục đã tăng 7%. Chính vì vậy, công ty đang mở rộng mạng lưới nhà hàng ở Trung Quốc và dự định mở thêm 20 cơ sở trong năm tới.