Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 20-6 có chuyến thăm Triều Tiên kéo dài 2 ngày giữa lúc nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng gặp bế tắc.
Theo Reuters, ông Tập là chủ tịch Trung Quốc đầu tiên đến Bình Nhưỡng trong 14 năm qua. Quan hệ hai nước này thời gian trước trở nên xấu đi sau khi Triều Tiên tiến hành một loạt vụ thử tên lửa, hạt nhân và Trung Quốc ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhằm vào Bình Nhưỡng. Dù vậy, hai nước đồng minh này đang có những bước đi nhằm cải thiện quan hệ. Trước khi sự kiện trên diễn ra, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thăm Trung Quốc 4 lần kể từ tháng 3-2018 trong lúc Bắc Kinh kêu gọi nới lỏng trừng phạt Bình Nhưỡng.
Giới phân tích lưu ý đến thời điểm diễn ra chuyến thăm - tức không lâu trước khi ông Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 (nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) tại Nhật Bản cuối tháng này - có thể nhằm phát đi thông điệp Bắc Kinh vẫn đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề liên quan đến bán đảo Triều Tiên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau tại thủ đô Bình Nhưỡng hôm 20-6Ảnh: CCTV - AP
Trung Quốc hiện là đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên trong lúc Washington đang tìm cách thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Giữa lúc quan hệ Mỹ - Trung đang xấu đi vì chiến tranh thương mại và một loạt bất đồng, Bắc Kinh được cho là có thể sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Bình Nhưỡng như một đòn bẩy để thúc đẩy Washington nhượng bộ trong vấn đề thương mại.
"Bằng cách chứng tỏ mối quan hệ đặc biệt với Triều Tiên vào thời điểm cả Washington và Seoul đều không thể nối lại đối thoại cấp cao với Bình Nhưỡng, Bắc Kinh đang cho Washington thấy nước này là một đối tác có ích, mang tính xây dựng và không thể thiếu trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng của khu vực" - ông Tong Zhao, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie - Tsinghua (Trung Quốc), nhận định với hãng tin AP. Tuy thế, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ ý kiến cho rằng mối quan hệ gần gũi giữa nước này và Triều Tiên có thể được sử dụng để gây sức ép lên Mỹ.
Một số chuyên gia cho rằng kết quả cuộc hội đàm giữa hai ông Tập và Kim có thể tác động đến nội dung các cuộc họp tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới. Ông Li Zhonglin, chuyên gia tại Trường ĐH Yanbian (Trung Quốc), nhận định với Reuters rằng Trung Quốc có thể hy vọng thuyết phục được Triều Tiên đồng ý nối lại đàm phán với Mỹ. Dù vậy, ông Lu Chao, làm việc tại Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh (Trung Quốc), cho rằng khó có khả năng Bắc Kinh gây quá nhiều sức ép lên Bình Nhưỡng trong vấn đề này do lo ngại quan hệ song phương gặp rắc rối. Theo ông Tong, cách tốt nhất để Trung Quốc bảo đảm ảnh hưởng lâu dài đối với Triều Tiên là củng cố mối quan hệ đặc biệt này.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết trước thềm chuyến thăm rằng ông Tập sẽ bàn về chuyện hợp tác kinh tế, thương mại trong chuyến thăm. Đáng chú ý là trong phái đoàn tháp tùng ông Tập đến Triều Tiên có ông He Lifeng, Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia. Ngoài ra, Bắc Kinh có thể đề nghị viện trợ nhân đạo Bình Nhưỡng sau khi truyền thông Triều Tiên đưa tin nước này đang bị hạn hán. Ông Leif-Eric Easley, chuyên gia tại Trường ĐH Ewha Womans (Hàn Quốc), phỏng đoán sẽ có thêm chuyên gia và du khách Trung Quốc đến Triều Tiên để hỗ trợ về kỹ thuật và mang thêm nguồn thu cho nước chủ nhà.
Washington kêu gọi Bình Nhưỡng nối lại đàm phán
Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun hôm 19-6 khẳng định Washington hy vọng tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng sẽ sớm được nối lại. Phát biểu tại Hội đồng Atlantic (trụ sở ở thủ đô Washington - Mỹ), ông Biegun khẳng định cánh cửa đàm phán "vẫn rộng mở" nhưng hối thúc Triều Tiên có những động thái cụ thể hơn về cam kết phi hạt nhân hóa. "Tình hình không thể tiến triển tốt nếu không có các động thái giàu ý nghĩa và có thể kiểm chứng được về cam kết phi hạt nhân hóa" - ông Biegun cho biết, đồng thời nhấn mạnh đây không phải là điều kiện để nối lại đàm phán.
Ông Biegun dự kiến đến Hàn Quốc trong ngày 25 hoặc 26-6 và sẽ ở lại đây cho đến khi diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ Donald Trump trong ngày 29-6. Giới quan sát nhận định ông Biegun có thể liên lạc với giới chức Triều Tiên tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm thuộc khu phi quân sự (DMZ) trong suốt thời gian ở lại Hàn Quốc.
Trong khi đó, Hàn Quốc hôm 19-6 cho biết sẽ viện trợ 50.000 tấn gạo cho Triều Tiên với hy vọng động thái này có thể thuyết phục Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán. Ông Kim Yeon-chul, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cho biết số gạo nói trên sẽ được chuyển đến Triều Tiên thông qua Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc trước tháng 9 năm nay. Liên Hiệp Quốc vào tháng rồi cho biết khoảng 40% dân số Triều Tiên đang cần được viện trợ lương thực khẩn cấp sau khi quốc gia này trải qua vụ mùa thu hoạch tồi tệ nhất trong 10 năm qua.