Phần thưởng cho một năm cố gắng
Những ngày này, Công ty CP Sài Gòn Food (KCN Vĩnh Lộc, TPHCM) chạy hết công suất để cung ứng sản phẩm cho thị trường cuối năm. Năm nay, đơn vị này không chỉ dự trữ hơn 3.000 tấn thành phẩm (tăng 2% so với cùng kỳ) cho thị trường năm mới 2022 và Tết Nguyên đán , mà còn ra nhiều sản phẩm mới là nước xốt trộn và nước dùng canh, chỉ cần mở gói là dùng ngay rất tiện lợi.
Bà Trần Thị Kiều Oanh, Giám đốc nhân sự khẳng định, chăm lo Tết, quan tâm đời sống NLĐ là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu của Sài Gòn Food. Năm nay, dù ảnh hưởng dịch bệnh, công ty sản xuất cầm chừng khi thực hiện “3 tại chỗ” nhưng vẫn giữ nguyên thưởng Tết 2 tháng lương cho công nhân (khoảng 15 triệu đồng/người).
Ngoài ra các phần quà tặng Tết vẫn được duy trì thường niên và cam kết đảm bảo mọi phúc lợi cho NLĐ như chế độ thâm niên cho cán bộ, công nhân viên; tổ chức xe đưa đón, tặng vé xe để công nhân về quê ăn Tết…. Cũng như mọi năm, nhằm khích lệ tinh thần công nhân viên, công ty còn tổ chức các hoạt động thi đua sản xuất với giá trị tiền thưởng lên đến 600 triệu đồng.
“Đây là phần thưởng xứng đáng cho sự chuyên cần, cống hiến của anh em công nhân suốt năm qua. Công ty mong Tết sắp đến là mùa tổng kết ấm no, vui Tết an toàn, thưởng Tết an khang dành cho tất cả đại gia đình Sài Gòn Food”- bà Oanh bộc bạch.
Tại Đồng Nai, Công ty Teawang Vina (KCN Biên Hòa 2, TP Biên Hòa) đã quay trở lại nhịp sản xuất sau 3 tháng phòng dịch. Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty khẳng định: “Hiện Công đoàn, DN đang đàm phán để thống nhất công bố thưởng Tết cho NLĐ. Tuy chưa có con số cụ thể nhưng cũng như mọi năm, mức thưởng cho NLĐ vẫn ở mức 1,5 tháng lương.
Ngoài ra, Công đoàn cũng có phần quà riêng cho NLĐ trị giá khoảng 500.000 đồng/suất”. Cũng theo ông Phúc, mọi năm thường có chính sách hỗ trợ tàu, xe cho NLĐ về quê, nhưng năm nay tình hình dịch bệnh bất ổn, công đoàn sẽ chuyển sang tổ chức những hoạt động khác giúp NLĐ đón Tết vui vẻ, ấm áp.
Tập đoàn Phong Thái có 5 công ty thành viên và là đơn vị có số công nhân đông nhất tại tỉnh Đồng Nai, với khoảng 67.000 người. Dù gặp khó khăn do dịch bệnh, nhưng DN này đã quyết định thưởng Tết cho NLĐ 1 tháng lương.
Ông Lê Quốc Thanh, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Phong Thái cho biết: “DN vẫn còn nhiều khó khăn vì phải tạm ngưng hoạt động một thời gian để giãn cách xã hội, nhưng NLĐ còn khó khăn hơn. Do đó, dù ít hay nhiều, công ty vẫn có thưởng Tết bởi việc này phần nào giúp NLĐ giảm bớt khó khăn".
Nhiều DN ở Bình Dương cũng khẳng định dù bất cứ giá nào cũng sẽ thưởng Tết cho NLĐ. Ông Đặng Đức Toàn, Giám đốc chuỗi cung ứng Nhà máy P&G cho hay, DN hiện chưa công bố mức thưởng Tết nhưng bất kể thế nào, đơn vị vẫn duy trì như mọi năm. Công ty TNHH DADL có khoảng 1.000 lao động làm việc ổn định và đang tăng tốc để kịp đơn hàng cuối năm.
Bà Hồ Huỳnh Thanh Thảo, Phó Giám đốc điều hành cam kết: “Mặc dù khó khăn nhưng chắc chắn chúng tôi luôn hướng đến người lao động. Các chế độ lương, thưởng vẫn duy trì như mọi năm”.
Doanh nghiệp phải công bố lương, thưởng Tết
Sở LĐ-TB&XH TPHCM vừa có công văn đề nghị các DN báo cáo tình hình lao động, tiền lương năm 2021 và kế hoạch thưởng Tết năm 2022 trước ngày 25/12. Theo đó, DN thông tin để NLĐ biết rõ về tiền lương, tiền thưởng, các khoản trợ cấp, hỗ trợ trong dịp Tết (tặng quà, hỗ trợ vé tàu, xe cho NLĐ về quê ăn Tết…); công bố cụ thể thời gian nghỉ Tết, nghỉ phép năm, thời gian thực hiện trả lương, trả thưởng. DN đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch; không để xảy ra nợ lương, nợ thưởng dẫn đến tranh chấp và bất ổn trong quan hệ lao động. Trường hợp DN gặp khó khăn trong chi tiền lương, tiền thưởng thì trao đổi với tổ chức đại diện tập thể NLĐ tại cơ sở và báo cáo Phòng LĐ-TB&XH quận, huyện, TP Thủ Đức, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (nơi DN đặt trụ sở) để hỗ trợ NLĐ.
Chung tay lo Tết
Chia sẻ về việc thưởng của các DN dệt may, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TPHCM thừa nhận, năm nay để có thưởng Tết cho NLĐ là cả sự cố gắng, nỗ lực của DN. Năm 2021, các DN sản xuất trên cả nước, đặc biệt ở TPHCM gặp không ít khó khăn về tài chính bởi từ chi phí sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”, chi phí xét nghiệm COVID-19, cách ly đến đơn hàng chậm tiến độ, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên vật liệu tăng vọt. “Thưởng Tết không chỉ để động viên NLĐ mà còn nhằm giữ ổn định nguồn lao động sau Tết. Do đó, dù gặp khó khăn về tài chính nhưng đa số DN đều cố gắng có thưởng Tết cho NLĐ” - ông Hồng nói.
Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân (TPHCM) Nguyễn Văn Hải thông tin, do tác động của dịch COVID-19, nhiều DN và NLĐ trên địa bàn gặp khó khăn, nên từ cuối tháng 10/2021, LĐLĐ quận đã có kế hoạch chăm lo Tết với phương châm “Tất cả đoàn viên, NLĐ đều có Tết”. Dự kiến, trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, đơn vị này sẽ tặng từ 10.000 đến 20.000 phần quà với kinh phí từ 5 đến 10 tỷ đồng (tăng từ 3.000 đến 13.000 phần quà với số tiền 6,4 tỷ đồng so với năm 2021).
Ông Nông Văn Dũng, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai cho biết, hiện nay các DN chưa công bố thưởng Tết, việc thưởng Tết cũng không phải là quy định bắt buộc và tùy theo kết quả kinh doanh của DN. Tuy nhiên hàng năm, các DN vẫn có chính sách chăm lo cho NLĐ.
Theo LĐLĐ tỉnh Bình Dương, những năm 2020-2021, dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng các DN đều công bố mức thưởng Tết rất cao, thậm chí năm sau còn cao hơn năm trước. Năm nay, DN vẫn chưa báo cáo về mức thưởng, nhưng qua nắm bắt tình hình tại công đoàn cơ sở có thể nhận định mức thưởng Tết năm nay sẽ tương đương năm 2021. “Mặc dù trải qua đợt dịch lần thứ tư khiến DN khó khăn, thậm chí lỗ nhưng để tạo động lực cho NLĐ, họ sẵn sàng trả lương, thưởng đầy đủ” - bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ Bình Dương chia sẻ. Ngoài ra, LĐLĐ Bình Dương có những chương trình, hoạt động chăm lo Tết như: duy trì các “Chuyến xe Xuân nghĩa tình”; tặng quà Tết cho công nhân khó khăn và bị tai nạn lao động; tổ chức hoạt động văn hóa - văn nghệ vui Xuân, đón Tết…