Từng là một trong những thương hiệu hàng Việt có tiếng nhất khu Sài Gòn – Chợ Lớn, xà bông cô Ba là thành tựu to lớn nhất gắn liền với sự nghiệp kinh doanh lẫy lừng của doanh nhânh tài ba Trương Văn Bền.
Những năm đầu thế kỷ XX, xà bông cô Ba nổi lên như một biểu tượng thương hiệu Việt giữa rất nhiều thương hiệu nước ngoài được du nhập vào Việt Nam. Bởi đó là sự sáng tạo, một sản phẩm thành công của một doanh nhân nổi tiếng - ông Trương Văn Bền.
Nói về cơ duyên giữa ông Trương Văn Bền với xà bông cô Ba, ông Trương Khắc Cẩn- con trai ông Bền cho hay: "Vào năm 1930, sau khi lăn lộn trong các hoạt động kinh doanh lúc bấy giờ, ba tôi muốn hoạt động trong một ngành có tính cách phục vụ đại chúng. Có hai loại sản phẩm mà hầu như mọi người phải dùng: giấy và xà bông, thế là ba tôi chọn xà bông".
Doanh nhân Trương Văn Bền (1883-1956) được sinh ra tại Chợ Lớn (Sài Gòn) trong một gia đình có truyền thống làm nghề thủ công. Xuất thân từ một gia đình khá giả, ông được hưởng nền giáo dục tân tiến của Pháp thời bấy giờ tại các trường Pháp như École Municipale française de Cholon, và sau đó là trường quý tộc Collège Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn. Ngoài ra, ông còn được dạy kèm riêng các môn tiếng Việt và tiếng Hoa.
Trương Văn Bền bắt đầu sự nghiệp buôn bán vào năm 1901, khi ông mở một cửa tiệm tạp hóa nhỏ gần một con kênh ở số 40 quai du Cambodge (đường Kim Biên), Chợ Lớn. Ông dần mở rộng việc làm ăn bằng cách mua sỉ từ các thương gia Trung Quốc rồi bán lại cho các tiệm tạp hóa lẻ để ăn lời khoản chênh lệch. Nhờ đó, ông tích lũy được một khoản nhỏ.
Năm 1905, từ số vốn đã tích góp, ông đầu tư mở một xưởng sản xuất và tinh luyện dầu ở Thủ Đức. Một năm sau, ông mở thêm nhà máy xay gạo ở Chợ Lớn và Rạch Các. Tuy nhiên, ông sớm nhận ra tiềm năng của ngành sản xuất dầu và tập trung mở thêm một cơ sở sản xuất ở Chợ Lớn, mang tên "Huilerie de Cholon," với nhà máy ở Thủ Đức và kho bãi đặt tại 40-49 quai du Cambodge. Xưởng này của ông Bền kinh doanh thành công và trở thành một trong những doanh nghiệp có tiếng trong thành phố.
Rue de Canton (Nay là đường Triệu Quang Phục) ở Chợ Lớn trong thời kỳ Pháp thuộc (ảnh trái) và Trụ sở của Xà bông Việt Nam (ảnh phải) tại 40-49 Quai, sau này là Rue de Cambodge (nay là Chợ Kim Biên, quận 5)
Ông cũng có một khách sạn và một tiệm mỹ phẩm ở Chợ Lớn. Dẫu vậy, các cơ sở này không thành công bằng cơ sở sản xuất dầu của ông ở Thủ Đức.
Năm 1914, ông lập đồn điền cao su (Plantation de Truong-Van-Ben) rộng 70 hecta ở khu làng Linh Chiêu và Phong Phú tại Gia Định (nay thuộc đất Quận 9 và Thủ Đức), cách Sài Gòn 15 cây số.
Năm 1918, ông mở thêm một cơ sở sản xuất dầu ở Chợ Lớn. Xưởng này sản xuất đủ loại dầu từ dầu nấu ăn, dầu salat đến dầu dừa, dầu castor, dầu cao su và các loại dầu dùng trong kỹ nghệ.
Trong ký sự "Một tháng ở Nam Kỳ" viết năm 1918, nhà báo Phạm Quỳnh có nhắc đến Trương Văn Bền:
"Ông Trương Văn Bền là một nhà công nghiệp to ở Chợ Lớn, năm trước cũng có ra xem hội chợ ở Hà Nội, đem xe hơi ra đón các phái viên Bắc Kỳ về xem nhà máy dầu và nhà máy gạo của ông Chợ Lớn.
Xem qua cái công cuộc ông gây dựng lên, đã to tát như thế mà chúng tôi thấy hứng khởi trong lòng, mong mỏi cho đồng bào ta ngày một nhiều người như ông, ngõ hầu chiếm được phần to trong trường kinh tế nước nhà và thoát ly được cái ách người Tàu về đường công nghệ thương nghiệp"...
Doanh nhân Trương Văn Bền và vợ (Ảnh tư liệu).
Trong thập niên 1920, ông nhảy vào lĩnh vực canh nông. Lúc đầu ông mua 300 mẫu ruộng ở Mỹ Tho. Vài năm sau đó, năm 1925, ông cùng một số người khác thành lập Công ty canh nông Tháp Mười (Société Rizicolte du Tháp Mười). Công ty có hơn 10.000 mẫu và tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn nhân sự ở miền Tây Nam bộ.
Vai trò quan trọng của ông trong địa hạt phát triển canh nông, kỹ nghệ, kinh tế tài chính được đánh giá cao trong xã hội. Ông được bầu làm hội viên của Đại hội đồng kinh tế lý tài Đông Dương (Grand Conseil des Intérêts économiques et financiers de l'Indochine) năm 1929.
Qua những biên bản báo cáo chi tiết các cuộc họp đại hội đồng được công bố mỗi năm của chính phủ Toàn quyền Đông Dương, có thể thấy một vài sự kiện thể hiện tinh thần bảo vệ phúc lợi người dân của Trương Văn Bền.
Xà bông cô Ba - thương hiệu xà bông làm nên tên tuổi cho ông Trương Văn Bền.
Trong cuốn Sài Gòn Chợ Lớn ký ức đô thị và con người, tác giả Nguyễn Đức Hiệp cho biết nhà kỹ nghệ và doanh nhân Việt Nam Trương Văn Bền (1883-1956) có tầm nhìn xa, nhạy bén, khôn khéo và sáng tạo không kém gì những doanh nhân nổi tiếng thế giới hiện nay.
Nếu như người Anh, Mỹ thường gọi những người khai phá, lãnh đạo các công ty, tập đoàn lớn có sức mạnh trong công nghiệp, kinh tế, tài chính là 'captains of industry' (chỉ huy trưởng kỹ nghệ), thì ông Trương Văn Bền thời điểm đó được xem là 'chỉ huy trưởng kỹ nghệ' đầu tiên của Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20.
Mặc dù có nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế đất nước và tham gia vào nhiều ngành nghề kinh doanh, nhưng sản phẩm thực sự làm nên tên tuổi lẫy lừng của doanh nhân Trường Văn Bền trong giới thương nhân Sài Gòn là khi ông quyết định đầu tư sản xuất xà bông vào năm 1932. Đây là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời làm doanh nhân của ông.
Vào thời gian này và trước đó, hầu hết xà bông dùng trong nước và ở Đông Dương nhập khẩu từ Pháp. Chỉ có ít xà bông làm từ các xưởng nhỏ thủ công ở Chợ Lớn với chất lượng kém nên có giới hạn rất nhỏ không có thể cạnh tranh và so sánh được với xà bông nhập khẩu từ Marseille, Pháp. Vậy mà, xà bông cô Ba của doanh nhân Trương Văn Bền ra đời không chỉ trực tiếp cạnh tranh được với xà bông nhập khẩu mà thậm chí còn lấn át, trở thành "thương hiệu quốc dân" trong lòng người tiêu dùng Việt.
(Theo Gia đình và xã hội)