Trong khi đó, trên thị trường giao dịch, tình trạng nhà đầu cơ mua bán hoặc tuồn hàng ra thị trường một cách bất ngờ khiến giá hồ tiêu diễn biến thất thường, khó lường.
Theo ông Việt Anh, việc giá hồ tiêu tăng cao sẽ giúp nông dân hưởng lợi. Nhưng với các doanh nghiệp (DN) khâu trung gian thì dễ rơi vào tình cảnh khó buôn, khó bán. Lượng hàng bán ra thị trường không dồi dào, hộ nông dân này không bán, DN đi mua ở hộ khác hơi khó, đồng thời đối mặt tình trạng có thể lỗ do giá mua vào cao hơn giá ký hợp đồng…Đại diện Hiệp hội cho rằng, trong bối cảnh giá tiêu tăng nóng, các DN cần điều chỉnh giá xuất khẩu tương ứng và chủ động dự phòng nguồn hàng.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, dù là quốc gia xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới , nhưng thị phần xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam lại đang thuộc vào tay các DN FDI. Trong đó, dẫn đầu là các thương hiệu như Pearl Group, Nedspice, Olam Việt Nam, Harris Freeman, Trong khi đó, DN trong nước nổi lên một số thương hiệu như Phúc Sinh, Haprosimex, Liên Thành, Intimex Group...
Năm 2017, khi giá tiêu biến động thất thường, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã phản ánh về tình trạng có bằng chứng cho thấy có một nhóm DN Trung Quốc đang điều khiển thị trường hồ tiêu của Việt Nam khi người dân, DN đặt giá nào họ cũng đồng ý mua và yêu cầu làm luôn hợp đồng mua bán. Trả lời PV Tiền Phong về việc lần này có sự can thiệp tương tự hay không khi thương lái từ Trung Quốc bắt đầu thu mua nhiều trở lại, một vị lãnh đạo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nói rằng “chưa khẳng định nhưng đang thu thập thêm thông tin phản ánh từ các DN”.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cho rằng, do ảnh hưởng của El Nino nên sản lượng tiêu năm nay của Việt Nam chỉ đạt khoảng 170.000 tấn, giảm 10% so với năm trước. Đây cũng là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
“Việc giá tiêu tăng vọt hiện nay chủ yếu do yếu tố thị trường. Giá hồ tiêu có thể cao giúp nông dân lãi lớn nhưng nông dân cũng cần nhìn lại bài học của nhiều năm trước, không nên lặp lại vết xe đổ ồ ạt mở rộng diện tích trồng hồ tiêu, mà tập trung đầu tư, chăm sóc theo hướng thâm canh để cây hồ tiêu phát triển bền vững và ổn định’, ông Cường cho hay.
Theo đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lớn ở phía Nam, việc giá tiêu tăng nóng phần lớn do tình trạng đầu cơ trên thị trường. Thời điểm giá tiêu tăng lên 140 - 145 triệu đồng/tấn đã xuất hiện làn sóng đại lý, nhà đầu cơ nhảy vào tích trữ. “Có người bán được tiền tỷ sầu riêng lập tức quay sang dành hết mua tiêu vì họ nghĩ giá mặt hàng này còn lên. Điều này khiến giá tăng tiêu tăng nóng từ từ 145 triệu đồng/tấn lên 185 triệu đồng/tấn. Lúc này một bộ phận nhà đầu cơ đã thấy lãi đủ rồi nên ồ ạt chốt lời khiến giá tiêu trong 3 ngày giảm xuống còn 160 triệu đồng/tấn. Đáng ngạc nhiên, giá tiêu toàn tăng vào lúc nửa đêm nên hầu như những đơn vị nhỏ, lẻ trở tay không kịp”, vị này nói.