Diễn đàn Công nghệ FPT 2019 với chủ đề "Khởi động thông minh" vừa diễn ra cách đây ít ngày đã ghi nhận ý kiến e ngại của một doanh nghiệp (DN) ngành hàng tiêu dùng lớn hiện nay về làn sóng áp đảo của các tên tuổi bán lẻ trực tuyến nổi tiếng thế giới như Alibaba, Amazon.
Siêu thị mất khách
DN này cho rằng với sự lớn mạnh của Alibaba, Amazon… đang đe dọa khả năng bán hàng của DN sản xuất cũng như DN phân phối truyền thống. Cùng với việc hút khách hàng qua kênh bán lẻ điện tử, các công ty thương mại điện tử còn "bòn" thêm đáng kể lợi nhuận của DN rồi mới cho phép họ đưa hàng đến tay người tiêu dùng. Trước nguy cơ đó, đã có DN sản xuất phải xây dựng mô hình kinh doanh mới thông qua ứng dụng điện tử, cung cấp danh mục hàng hóa chính hãng của DN, giao hàng tận nơi, đồng thời đưa ra nhiều hình thức tích lũy thanh toán đơn hàng, đổi điểm thưởng... để thu hút khách.
Xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng lớn ở Việt Nam, đe dọa các kênh phân phối trực tiếp Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chưa hết, xu hướng thương mại điện tử cũng lấn dần và lấy khách từ kênh bán hàng trực tiếp, bao gồm cả chợ truyền thống lẫn siêu thị, trung tâm thương mại. Rõ ràng đến mức có hệ thống siêu thị từng phải thừa nhận đã bị mất một lượng khách không nhỏ về tay các sàn thương mại điện tử. Nếu trước đây, người tiêu dùng chủ yếu mua hàng phi thực phẩm, đồ dùng, quần áo trên mạng thì nay, tất tần tật mọi thứ đều giao dịch qua những cú lướt và nhấp chuột. Trong đó, hàng thực phẩm bắt đầu được mua qua mạng nhiều hơn. Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op, nhìn nhận kinh doanh qua mạng là tiến trình chung của bán lẻ thế giới, Việt Nam không nằm ngoài tiến trình đó. Vì vậy, DN bán lẻ phải cập nhật xu hướng, từng bước đầu tư phát triển mảng bán hàng online để giữ khách.
Tuy nhiên, các nền tảng thương mại điện tử cho rằng họ không phải là nhà phân phối hàng hóa mà chỉ kết nối người bán với người mua. Chẳng hạn, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Lazada nhấn mạnh: "Lazada không có chiến lược chiếm lĩnh dần kênh phân phối". Thay vào đó, với định hướng cung cấp cho nhà sản xuất một kênh bán hàng mới để tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng, bất cứ DN ở địa phương nào cũng có thể dễ dàng mở gian hàng trực tuyến, không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý, được ưu đãi nhiều chi phí khác. Chưa kể, DN sản xuất có thể được tham gia vào các chiến dịch tiếp thị trực tuyến để tăng doanh số bán hàng. Do vậy, tuy không có chiến lược nhưng bản thân thương mại điện tử đã tự tạo được sức hút để cạnh tranh với bán lẻ trực tiếp.
Cơ hội cho nhà sản xuất tăng thị phần
Thừa nhận đã tham gia bán hàng qua kênh thương mại điện tử từ những năm 2011, khi mà hoạt động mua bán qua mạng tại Việt Nam còn rất sơ khai, người tiêu dùng chưa biết nhiều đến mua hàng online, tổng giám đốc một công ty chuyên về giày dép tại TP HCM cho biết đến nay, doanh thu từ kênh phân phối online chiếm khoảng 4% tổng doanh thu. "So về hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị sản phẩm, bán hàng qua mạng lợi hơn bởi chi phí thấp hơn so với bán qua đại lý hay kênh phân phối hiện đại. Đặc biệt, ngoài hiệu quả doanh thu, kênh bán hàng điện tử hỗ trợ tốt cho DN trong việc quảng bá thương hiệu, sản phẩm đến khách hàng" - vị tổng giám đốc này tiết lộ.
Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, kênh thương mại điện tử rất tiềm năng, nhiều triển vọng nhưng riêng với DN ngành thực phẩm đông lạnh, việc khai thác kênh này còn nhiều trở ngại. Bản thân Sài Gòn Food đã bán hàng qua các sàn lớn trong nước như Lazada, Tiki, Adayroi, Sendo… nhưng doanh thu chưa đáng kể. Nguyên nhân, theo bà Lâm, là do tâm lý chung của người tiêu dùng thích nhìn, sờ, xem kỹ hạn sử dụng hàng thực phẩm rồi mới mua. Còn với sản phẩm đông lạnh, yêu cầu bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển, đem giao cho khách khó khăn hơn so với hàng bảo quản ở nhiệt độ thường, chi phí cao hơn. Mặc dù vậy, trong năm 2020, Sài Gòn Food sẽ đầu tư cho kênh bán hàng online để phát triển thêm thị phần. Trước mắt, trong Tết này, khách hàng online sẽ được mua thùng sản phẩm Sài Gòn Food gồm các loại sản phẩm đông lạnh với giá rẻ hơn mua trực tiếp tại siêu thị.
Trong khi đó, bản thân các sàn thương mại điện tử cũng tỏ ra chủ động kết nối với DN sản xuất để trở thành kênh phân phối đưa hàng tới tay người tiêu dùng. Mới đây, Lazada đã phối hợp cùng Sở Công Thương tỉnh Long An và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam khởi động chương trình "Hỗ trợ kinh doanh thương mại điện tử cho DN Long An" nhằm mục đích kết nối các DN trong KCN với hình thức bán hàng online. "Các nhà sản xuất trong các KCN trên cả nước làm ra gần 70% lượng hàng hóa lưu chuyển trên thị trường và hầu hết phải xây dựng một hệ thống phân phối phức tạp để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Tham gia thương mại điện tử, chuỗi cung ứng này được rút ngắn, đem đến cơ hội cho nhà sản xuất tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng và ngược lại" - đại diện Lazada nói về chiến lược của mình và cho biết sẽ tiếp tục mở rộng tới các địa phương khác.
Hỗ trợ start-up thành "đại lý online"
Các chuyên gia thương mại điện tử từng nhìn nhận kênh bán lẻ trực tuyến sẽ là kênh phân phối đồng hành cùng DN nhỏ, tiềm lực yếu chứ không phải siêu thị hay trung tâm thương mại. Lý do bởi chiết khấu khi đưa hàng vào siêu thị ngày càng trở thành gánh nặng đối với nhà sản xuất. Một trong những cách thức mới hiện nay là nền tảng thương mại điện tử sẽ phối hợp với DN start-up (khởi nghiệp) giỏi kinh doanh thương mại điện tử để biến các start-up đó thành "đại lý online" cho các nhà sản xuất nhỏ lẻ, các DN trong KCN. "Các start-up này giúp cho các DN sản xuất lập và quản lý gian hàng. Khi hàng bán được, start-up sẽ được hưởng chiết khấu bán hàng như một đại lý bán hàng thông thường" - đại diện một nền tảng thương mại điện tử tiết lộ chiến lược mới.