Trong 9 tháng đầu năm, Viettel Post (VTP) ghi nhận doanh thu 5.073 tỷ đồng – tăng 56,7% và lợi nhuận sau thuế 266 tỷ đồng – tăng 37,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của CTCK BSC, đà tăng trưởng mạnh của Viettel Post trong 9 tháng đến từ sản lượng đơn hàng trong bối cảnh thị trường Thương mại điện tử vẫn tăng trưởng mạnh. Hiện 40% sản lượng đơn hàng Viettel Post đến từ các sàn Thương mại điện tử (công ty đang vận chuyển cho Sendo và Shopee). Tỷ trọng của chuyển phát truyền thống đang có xu hướng giảm (cả về doanh thu và sản lượng đơn hàng), hiện chỉ đạt 50% tỷ trọng (so với 54% trước đây).
Bên cạnh yếu tố hỗ trợ từ các sàn thương mại điện tử, khối lượng các đơn hàng từ các cửa hàng online trên các mạng xã hội (không có số liệu thống kê) cũng là nguồn tăng trưởng mới cho các công ty giao nhận.
BSC dự báo trong những năm tới, Viettel Post sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực với doanh thu năm 2021 có thể lên tới 15.000 tỷ đồng nhờ vào những yếu tố sau:
Ra mắt MyGo, Voso nhằm tối ưu hóa chuỗi giá trị, hệ sinh thái Viettel Post
MyGo được xây dựng trước hết để phụ trách mảng giao hàng cuối của Viettel Post. Công ty sẽ phân chia rõ ràng 2 khối đảm nhận 2 công việc khác nhau: (1) Nhân viên bán hàng của Viettel Post phụ trách việc tìm kiếm nguồn hàng mới (thay vì vừa giao hàng vừa tìm nguồn hàng) và (2) Đối tác MyGo phụ trách việc giao hàng cho Viettel Post.
Hiện tại, các đối tác MyGo đang phụ trách vận chuyển 20% sản lượng đơn hàng của Viettel Post (tỷ lệ này là 12% vào T8/2019) và dự kiến sẽ nâng dần lên mức 70% sản lượng đơn hàng. Số lượng tài xế của MyGo đạt 120 nghìn người, với tỷ lệ active đạt 80%. Tài xế của MyGo sẽ thay thế cho số lượng nhân viên bán thời gian được Viettel Post thuê phục vụ cho nhu cầu giao hàng. Đồng thời, công ty cũng sẽ tiến hành ký hợp đồng lao động với một số tài xế (được hưởng lương cứng, khen thưởng cũng như bảo hiểm xã hội theo cấp bậc lương của Viettel Post).
BSC cho rằng điều này sẽ khiến tổng mức lương chi trả của công ty sẽ tăng trong thời gian tới, do chi phí chi trả cho tài xế MyGo cao hơn chi phí trả cho nhân viên giao hàng bán thời gian. Tuy nhiên, việc tăng số lượng đơn hàng vận chuyển – tăng trưởng chính cho Viettel Post nhờ việc nhân viên bưu tá chỉ tập trung tìm khách hàng sẽ là ích lợi lớn nhất cho công ty. Đối với chiến lược dài hạn cho MyGo, công ty kỳ vọng MyGo sẽ tạo ra một mạng lưới giao hàng cuối, phục vụ cho hơn 400 công ty chuyển phát trong nước.
Trong khi đó, Voso được xây dựng không để cạnh tranh với các sàn Thương mại điện tử khác. Voso sẽ là một nhân tố để khép kín hệ sinh thái của Viettel Post, hỗ trợ cho các khách hàng của Viettel Post có một hệ thống nền tảng buôn bán mà không phải phụ thuộc vào bên thứ 3, hoàn thiện chuỗi cung ứng và phục vụ khách hàng.
Công ty cũng sẽ không tiêu tốn chi phí vào Voso như các sàn Thương mại điện tử khác. Hiện tại, Viettel Post không thu phí trong năm nay và có thể kéo dài sang năm sau nhằm thu hút khách hàng sử dụng sản phẩm.
Xu hướng mua sắm trực tuyến tăng mạnh
BSC cho rằng xu hướng tiêu dùng trực tuyến sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ khi số lượng người Việt Nam sử dụng Internet được dự báo tiếp tục tăng trưởng. Năm 2017, tỷ lệ thâm nhập của Việt Nam ở mức 56%, cao so với mức 48% bình quân của thế giới, nhưng tỷ lệ thâm nhập của Việt Nam vẫn được kỳ vọng đạt mức 62,5% vào năm 2020.
Đồng thời, Việt Nam còn một xu hướng mua sắm qua điện thoại di động (M – commerce). Theo Báo cáo của GWI, năm 2016, tỷ lệ người dân Việt Nam trực tuyến qua điện thoại di động là 85%, cao hơn mức 79% trung bình của thế giới.
Năm 2017, hơn 53% người tham gia khảo sát của Q&Me cho biết họ mua sắm trực tuyến qua điện thoại di động, tăng so với mức 47% năm 2016. Số lượng người dân sử dụng điện thoại di động dự kiến đạt 65,9 triệu người vào năm 2020, chiếm 66,8% dân số; trong đó, xu hướng sở hữu điện thoại Smartphone tăng trưởng đạt 58.4 triệu người vào năm 2020.
Việc sở hữu điện thoại di động cùng với kết nối dễ dàng hơn sẽ ngày càng thúc đẩy thói quen mua sắm trực tuyến của người sử dụng.
Tuy Thương mại Điện tử đã chứng kiến tốc độ phát triển cao trong các năm gần đây, BSC cho rằng ngành Thương mại Điện tử của Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn đầu phát triển. Tỷ lệ doanh thu mua sắm trực tuyến so với doanh thu bán lẻ của Việt Nam ở mức thấp so với khu vực và trung bình của thế giới (0,6% so với 7,4%). Trong Báo cáo Thương mại Điện tử Việt Nam (2018), EVBN cho biết Thương mại điện tử dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng 5,2% của tổng doanh thu bán lẻ trong năm 2020.
Bên cạnh đó, chi tiêu trực tuyến trên đầu người tại Việt Nam vẫn ở mức thấp so với khu vực. Năm 2017, giá trị mua sắm trực tuyến trung bình 1 người của Việt Nam đạt 186 USD/người, chỉ bằng 10% chi tiêu bình quân đầu người của Trung Quốc. Vecita dựbáo rằng mức chi tiêu này sẽ lên đến 350 USD/người vào năm 2020, tương ứng với mức tăng trưởng bình quân đạt 23,4%/năm.
Có thể thấy, xu thế mua sắm từ các cửa hàng truyền thống sang mua sắm trực tuyến sẽ ngày càng phổ biến. Ngành Thương mại Điện tử tại Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn ban đầu, và còn rất nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới.