Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề với nền kinh tế toàn cầu, các hoạt động sản xuất, cung ứng, thông thương… đều bị đình trệ, gián đoạn và không ít doanh nghiệp đã phải tạm ngừng kinh doanh, giải thể, phá sản hoặc thu hẹp quy mô sản xuất.
Tuy thế, cũng có rất nhiều doanh nghiệp Việt đã tìm ra hướng đi, nhanh chóng triển khai những giải pháp để duy trì hoạt động như đẩy mạnh hoạt động trên thị trường thương mại điện tử, cải thiện sản phẩm, chuyển đổi dịch vụ để phù hợp với thị trường, tích cực tìm kiếm thị trường đầu ra.
Các doanh nghiệp sản xuất nằm trong nhóm lớn nhất cả nước đều đưa thương mại điện tử vào chiến lược phát triển dài hạn để đối phó với khủng hoảng và xây dựng kênh phân phối mới, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.
Đặc biệt ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2020 cũng ghi nhận trên 113 triệu lượt xem và tương tác của người tiêu dùng trên các nền tảng trực tuyến của Online Friday, thị trường ghi nhận 3,7 triệu đơn hàng được giao dịch trong 60h, tăng 267% so với cùng kỳ.
Những tín hiệu tích cực trên đã giúp thương mại điện tử Việt Nam đạt kết quả tăng trưởng ấn tượng – 18% với quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số.
Song, mức tăng trên vẫn thấp hơn nhiều so với các nhận định trước đó ở mức 25-30%. Quy mô thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 như con số được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số công bố - 11,8 tỷ USD, cũng thấp hơn nhiều so với dự báo của nhiều tổ chức trước đó, khi cho rằng có thể đạt khoảng 14-15 tỷ USD.
Theo tính toán của Google, Temasek và Bain&Company, với tốc độ tăng trưởng 29% trong cả giai đoạn 2020-2025, nhiều khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.