Ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, trò chuyện với các đại biểu Mỹ tại hội nghị "Gặp gỡ Hoa Kỳ" ở Đà Nẵng chiều 5-3 - Ảnh: VIỆT HÙNG
Chiều 5-3, song song với lễ đón tàu sân bay USS Carl Vinson, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tổ chức hội nghị "Gặp gỡ Hoa Kỳ 2018" nhằm tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp Mỹ và các tỉnh miền Trung.
Tốt cho thương mại
Phát biểu tại hội nghị, đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết Mỹ và Việt Nam có nhiều lợi ích tương đồng, đó là nền tảng cho mối quan hệ hai nước trong tương lai. "Trong vòng 2 thập kỷ qua, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng 100 lần" - đại sứ Mỹ nói.
Đại sứ Kritenbrink nhấn mạnh: "Khoảng 60% khối lượng thương mại hàng hải toàn cầu đi qua khu vực châu Á - Thái Bình Dương và 1/3 khối lượng vận chuyển hàng hóa toàn cầu đi qua khu vực Biển Đông. Chúng tôi thể hiện cam kết mạnh mẽ bảo vệ tự do hàng hải ở các vùng biển khu vực, quốc tế và chuyến thăm của tàu sân bay USS Carl Vinson cho thấy điều đó".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Michael Kelly - chủ tịch AmCham - cho biết ông cảm thấy rất hào hứng về chuyến thăm TP Đà Nẵng của tàu sân bay USS Carl Vinson: "Chúng tôi muốn cho các quốc gia trong khu vực hiểu rằng việc bảo vệ tự do hàng hải cho vùng biển này là tốt cho thương mại".
Phó giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Craig Hart cho rằng các địa phương miền Trung còn rất nhiều tiềm năng đầu tư, kinh doanh nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư, làm ăn, hấp dẫn hơn nữa các doanh nghiệp Mỹ. Ông khuyến nghị lãnh đạo các địa phương cần xem xét, chú trọng việc kết nối các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ trong chuỗi giá trị toàn cầu và cải cách mạnh hơn nữa các thủ tục rườm rà cho doanh nghiệp.
"Chuyến thăm của tàu sân bay USS Carl Vinson là một cột mốc quan trọng trong việc phát triển và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt - Mỹ. Chuyến thăm cũng là một biểu tượng quan trọng cho thấy thương mại tự do và công bằng là nền tảng của quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước - Bà Virginia B. Foote (CEO của Công ty tư vấn Bay Global Strategies và thành viên của AmCham tại Việt Nam)
Kêu gọi đầu tư sân bay, bến cảng
Tại phiên thảo luận triển vọng thương mại đầu tư Việt - Mỹ 2018-2020, phó vụ trưởng Vụ châu Mỹ (Bộ Ngoại giao) Trần Thanh Tâm cho rằng chưa lúc nào mà quan hệ thương mại, đầu tư và hợp tác kinh doanh hai nước tiến triển tốt đẹp như năm qua và dẫn ra các số liệu chứng minh: "Thương mại hai chiều đạt 55 tỉ USD, tăng 28%, đầu tư Mỹ vào Việt Nam 638 triệu USD, tăng 2 lần và đón 817.000 du khách Mỹ".
Ông Tâm cho rằng năm nay quan hệ thương mại tiếp tục được cải thiện, xuất khẩu sang Mỹ sẽ tăng tốc và trong các chuyến thăm, làm việc lãnh đạo cấp cao hai nước, Việt Nam đều cam kết thúc đẩy tự do kinh doanh, mạnh dạn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính.
Tại hội nghị, một số lãnh đạo địa phương miền Trung cũng đã nêu những thế mạnh và dư địa đầu tư vào các lĩnh vực với hơn 50 đại diện doanh nghiệp Mỹ thuộc AmCham.
Chuẩn đô đốc John V. Fuller (chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson) trả lời báo New York Times ngày 4-3
Điều đáng chú ý là 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (từ Quảng Bình vào Bình Định) đều có thế mạnh về du lịch nhưng lại chọn những lĩnh vực đầu tư hạ tầng, năng lượng, công nghệ cao vốn các doanh nghiệp Mỹ có thế mạnh để mời gọi đầu tư.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh không chọn du lịch, công nghiệp ôtô, Khu kinh tế mở Chu Lai, tổ hợp hóa dầu - khí Cá Voi Xanh của Tập đoàn Exxon Mobil, mà rất bất ngờ khi đưa sân bay Chu Lai kêu gọi đầu tư.
Ông Thanh cho biết sân bay Chu Lai vốn được Mỹ đầu tư xây dựng phục vụ chiến tranh nhưng bỏ hoang, đến năm 2004 mới khai thác dân sự thì phát triển quá "nóng". Theo quy hoạch, năm 2030 đón 5 triệu khách/năm và 4 triệu tấn hàng hóa/năm nhưng khả năng tài chính trong nước còn hạn chế, ước mong của chính quyền, nhân dân Quảng Nam là đón nhận dòng đầu tư vào sân bay Chu Lai từ các doanh nghiệp Mỹ để biến Chu Lai thành trung tâm logistics hàng không cả khu vực Đông Nam Á.
Tiếp đó, ông Phan Ngọc Thọ, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng Khu kinh tế ven biển Chân Mây Lăng Cô hiện tiềm năng còn rất lớn nhưng nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Ông Thọ cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Mỹ khi đầu tư hạ tầng cảng biển, khu công nghiệp và đô thị Lăng Cô để biến khu vực này thành trung tâm logistics (hậu cần) hàng hải cả vùng Bắc Trung Bộ.
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh không giới thiệu lĩnh vực thế mạnh, hàng đầu kinh tế TP biển này là du lịch mà đem đến cho các doanh nghiệp Mỹ những cơ hội đầu tư vào khu công nghệ cao duy nhất ở miền Trung.
Theo ông Minh, Khu công nghệ cao Đà Nẵng diện tích 1.284ha hiện đã được đầu tư gần đồng bộ, giao thông thuận lợi và vừa được Chính phủ cho cơ chế, chính sách ưu đãi, hấp dẫn nhất về đất đai, giá thuê đất, các mức thuế, thị thực, đào tạo... so với khu công nghệ cao ở Hà Nội, TP.HCM.
"Việt Nam tiếp đội tàu USS Carl Vinson với hai lý do. Thứ nhất, Việt Nam đã được chính quyền ông Trump xác nhận thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện. Thứ hai, Việt Nam luôn chào đón sự hiện diện của hải quân Mỹ ở Biển Đông, miễn sao điều đó đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực..." - GS Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc)
Trong khuôn khổ Gặp gỡ Hoa Kỳ chiều 5-3, Coca-Cola Việt Nam và lãnh đạo Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) ký kết biên bản hợp tác bồi dưỡng cán bộ đối ngoại. Theo đó, trong vòng 3 năm, chương trình tổ chức các khóa bồi dưỡng kỹ năng quản lý, cập nhật kiến thức đối ngoại, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho lãnh đạo và cán bộ làm công tác đối ngoại các tỉnh, TP. Chương trình do các chuyên gia Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) cùng các đối tác khác tại Việt Nam thực hiện.