Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày 22-11 cho biết trong vòng 6 tháng gần đây, những biện pháp thuế quan từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới của nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã lên tới mức kỷ lục, bao phủ 481 tỉ USD giá trị thương mại toàn cầu.
Cao kỷ lục
Báo cáo từ WTO nêu rõ 40 biện pháp hạn chế thương mại mới đã được các thành viên G20 áp dụng từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 10, giá trị thương mại gấp 6 lần so với giai đoạn trước đó. Đây là con số lớn nhất từ trước tới nay kể từ khi WTO bắt đầu giám sát thương mại của G20 vào năm 2012. Như vậy, trung bình mỗi tháng, các nền kinh tế hàng đầu thế giới đưa ra 8 biện pháp hạn chế thương mại mới trong giai đoạn nói trên, tăng so với 6 biện pháp/tháng của giai đoạn từ giữa tháng 10-2017 đến giữa tháng 5-2018.
Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo nhấn mạnh những con số nói trên cần được chính phủ các nước thành viên G20 và toàn thể cộng đồng quốc tế lưu tâm một cách nghiêm túc. "Leo thang căng thẳng thương mại là mối đe dọa thực sự. Nếu tình hình này tiếp diễn, các rủi ro kinh tế sẽ gia tăng, gây tác động tiềm tàng tới tăng trưởng, việc làm và giá tiêu dùng trên toàn thế giới" - ông Azevedo cảnh báo.
Cũng theo lãnh đạo WTO, tổ chức này đang làm tất cả những gì có thể để xuống thang tình hình nhưng các giải pháp sẽ cần ý chí chính trị và sự đi đầu của G20. Các lãnh đạo G20 sẽ họp thượng đỉnh trong ngày 30-11 và 1-12 tại thủ đô Buenos Aires - Argentina. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến có cuộc hội đàm bên lề giữa lúc chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cho tới nay, Mỹ đã áp đặt thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỉ USD và phía Trung Quốc trả đũa bằng thuế quan lên 110 tỉ USD hàng Mỹ.
Mỹ thuyết phục các quốc gia đồng minh tránh xa thiết bị viễn thông của các công ty Trung Quốc, trong đó có Tập đoàn Huawei Ảnh: REUTERS
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Siêu ngày 23-11 nói rằng chìa khóa để kết thúc chiến tranh thương mại giữa nước này và Mỹ nằm ở chỗ cuộc gặp thượng đỉnh tuần tới phải ở vị thế ngang hàng và tôn trọng lẫn nhau. Trong khi đó, phát biểu trước báo giới tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida ngày 22-11, Tổng thống Trump khẳng định ông đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc gặp và ám chỉ hai bên có thể đạt được thỏa thuận để kết thúc cuộc chiến thương mại.
Leo thang
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế trưởng kiêm Giám đốc bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc tại Tổ chức TS Lombard (Anh), ông Bo Zhuang, nhận định dù đạt được thỏa thuận nào đó trong cuộc hội đàm nói trên thì cũng không tạo ra hiệp định "đình chiến" lâu dài giữa 2 nền kinh tế. Chuyên gia này cho rằng một kết quả như thế ít ra mang lại phản ứng tích cực tạm thời của thị trường nhưng căng thẳng thương mại sẽ vẫn leo thang. Cũng theo ông Bo Zhuang, nền kinh tế số 2 thế giới sẽ thiệt hại đáng kể vì chiến tranh thương mại, tăng trưởng GDP sẽ mất tới 0,5-0,7 điểm phần trăm từ đầu năm 2019.
Giữa lúc cơ hội kết thúc thực sự cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không mấy khả quan, báo The Wall Street Journal ngày 22-11 tiết lộ thông tin không hề dễ chịu với Bắc Kinh. Dẫn nguồn tin chính phủ Mỹ, tờ báo cho biết Washington đang khởi xướng chiến dịch thuyết phục các nước đồng minh để những nhà cung cấp dịch vụ mạng không dây và internet tại các quốc gia này tránh sử dụng thiết bị viễn thông do Tập đoàn Công nghệ Huawei (Trung Quốc) sản xuất.
Cụ thể, Washington cảnh báo các đồng minh và những công ty công nghệ tại Đức, Ý, Nhật Bản về rủi ro an ninh mạng. Ngoài ra, chính phủ Mỹ còn cân nhắc tăng viện trợ tài chính cho hoạt động phát triển viễn thông ở các nước nói không với thiết bị do Trung Quốc sản xuất. Ở "trận địa" trong nước, Washington thực hiện chiến dịch buộc các sản phẩm điện tử của Huawei ra khỏi Mỹ. Giới chức Mỹ cho rằng sáng kiến này là một phần của cuộc chiến tranh lạnh trong lĩnh vực công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ cùng các đồng minh.