Dubai là nơi sở hữu nhiều cái nhất: tòa nhà cao nhất thế giới, sân bay đón nhiều khách quốc tế nhất thế giới và cảng container nước sâu nhộn nhịp nhất khu vực Trung Đông cùng với nhà máy điện mặt trời tập trung lớn nhất thế giới đang xây dựng. Dubai cũng là trung tâm tài chính quan trọng nhất của thế giới Arab và là thành phố được ghé thăm nhiều thứ 4 thế giới.
Ngoài những thứ đang hiện hữu, các tham vọng của Dubai cũng gây ấn tượng mạnh. Các tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE (mà Dubai là 1 phần trong đó) muốn "thuộc địa hóa" sao Hỏa với dự định năm 2020 sẽ phóng tàu thăm dò lên sao Hỏa. Và, để phù hợp với 1 thành phố được xây dựng trên sa mạc, Dubai dự kiến xây dựng "thành phố sao Hỏa" để nghiên cứu cách để con người có thể sinh sống trên hành tinh đỏ. Dubai cũng đang thử nghiệm xe không người lái hình kén tằm và hệ thống giao thông tốc độ cao hyperloop chuyên chở người và hàng hóa đi khắp khu vực.
Từ xa xưa Dubai đã bộc lộ tham vọng kinh doanh với những khu chợ sầm uất bán hương trầm từ Oman và nhụy hoa nghệ tây từ Iran. Những dây chuyền vàng được treo lên như những tấm rèm là hình ảnh không mấy xa lạ. Hoạt động giao thương với Ấn Độ cũng rất nhộn nhịp.
Thương mại tự do, sự cởi mở, yên ổn về an ninh và hệ thống pháp luật ổn định đã biến vùng đất từng là 1 ngôi làng chuyên khai thác ngọc trai trở thành một trong những trung tâm thương mại nhộn nhịp nhất thế giới. Dubai cũng là thiên đường để cất giấu của cải trong 1 khu vực nhiều bất ổn như Trung Đông.
Bí quyết thành công của Dubai: Cơ chế đặc biệt
Có mối quan hệ gần giống như đặc khu Hồng Kông với Trung Quốc, Dubai đóng vai trò là cửa ngõ giúp bên ngoài giao thương với Saudi Arabia và phần còn lại của vùng Vịnh. Và cũng giống như Hồng Kông được hưởng lợi từ hệ thống pháp luật Anh, Dubai đã áp dụng hệ thống pháp luật common law theo kiểu Anh cho Trung tâm tài chính quốc tế Dubai – khu vực mà vai trò của luật sư trong các vụ kiện kinh tế rất được đề cao.
Không có quá nhiều dầu như phần lớn vùng Vịnh, Dubai đã cố gắng tự định vị bản thân là 1 cảng thương mại chủ chốt ngay từ trước khi giành được độc lập năm 1971. Nhà lãnh đạo Dubai khi đó, Sheikh Rashid, nhận 1 khoản vay từ Kuwait để nạo vét con lạch Dubai Creek và xây dựng cảng, sau này phát triển cả 1 đặc khu kinh tế xung quanh cảng Jebel Ali, tạo thành trung tâm trao đổi hàng hóa nhộn nhịp nằm ở phía Nam thành phố thúc đẩy giao thương giữa vùng Vịnh, châu Phi và châu Á.
Trong phát triển hàng không, Dubai cũng áp dụng tư duy tương tự với việc thành lập hãng hàng không Emirates và phát triển Dubai thành trung tâm phục vụ các chuyến bay quốc tế và tất nhiên kéo theo đó là rất nhiều khách du lịch. Thông qua những dự án mang tính biểu tượng mà điển hình là siêu dự án quần đảo cây cọ Jumeirah trị giá 14 tỷ USD nằm ngay ở mặt biển, Dubai đã chứng minh cho thế giới thấy họ có thể biến những sa mạc khô cằn thành bất động sản cao cấp như thế nào.
Nhiều nơi ở vùng Vịnh đã cố gắng sao chép mô hình của Dubai với các bến cảng, sân bay, hãng hàng không và thậm chí là cả đảo nhân tạo hay trung tâm tài chính. Tuy nhiên không nơi nào có thể so sánh được với bản gốc. Một phần nguyên nhân là bởi họ chỉ chú trọng đến các dự án hoành tráng, trong khi bí quyết của Dubai là ý tưởng phải được phát triển trong mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp.
Theo nhà khoa học chính trị Abdulkhaleq Abdulla, Dubai được hưởng lợi lớn từ cấu trúc nhà nước liên bang độc nhất vô nhị của UAE, trong đó mọi thành viên trong 7 tiểu vương quốc đều có thể tự do thử nghiệm các mô hình kinh tế và quản trị khác nhau.
"UAE giống như 1 chú chim đang bay bằng 2 cánh là Dubai và Abu Dhabi", ông nói. Trong khi Dubai tăng trưởng dựa trên các doanh nghiệp tư nhân, Abu Dhabi tận dụng nguồn dầu mỏ dồi dào và vị thế địa chính trị có được từ đó. Nhờ Dubai, UAE chính là nền kinh tế đa dạng nhất ở vùng Vịnh dù IMF nhận định UAE cần phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa nếu muốn có 1 nền kinh tế bền vững hơn.
Tuy nhiên Dubai cũng không hoàn toàn không có khuyết điểm. Nhiều người phàn nàn rằng thành phố này chịu quá nhiều sự chi phối của gia tộc Al Maktoums. Đồng thời một trong những cái giá phải trả để thành công là dân bản địa chỉ chiếm 8% dân số Dubai. Một điểm yếu khác là mức nợ quá lớn, năm 2009 Dubai đã phải nhờ tới gói cứu trợ tài chính từ Abu Dhabi.