Theo thông báo chính thức, ông McCain qua đời tại nhà riêng ở Arizona vào lúc 15h28 ngày 25/8, tức 6h28 sáng 26/8 theo giờ Hà Nội. Ông McCain qua đời chỉ vài ngày sau khi xuất hiện thông tin vị chính trị gia nổi tiếng nước Mỹ tuyên bố ngừng điều trị ung thư não.
Suốt 35 năm qua, ông McCain đã là người đại diện cho quê nhà Arizona ở Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Khi còn trẻ, ông McCain từng là phi công của Hải quân Mỹ, tham chiến và bị bắn rơi máy bay ở Việt Nam trước khi bị bắt làm tù binh chiến tranh năm 1967. Năm 1973, ông McCain cùng nhiều tù binh Mỹ khác được Việt Nam trả tự do.
Trở về Mỹ sau đó bước chân vào con đường chính trị, ông McCain là người góp tiếng nói và công sức rất lớn trong nỗ lực vận động bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ và thúc đẩy mối quan hệ song phương. Ông cũng nhiều lần tới Việt Nam để tăng cường mối quan hệ giữa hai nước. Trước khi qua đời, ông McCain vẫn là Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.
Để ghi nhớ công lao của Thượng nghị sĩ John McCain, Mỹ đã thông qua Đạo luật ủy quyền quốc phòng John S. McCain (NDAA) cho năm tài chính 2019 (từ ngày 1/10/2018-30/9/2019) với kinh phí cho quốc phòng là 716 tỉ USD theo tên của Nghị sĩ Arizona.
Cuộc đời sóng gió
Ông McCain qua đời là điều nhiều người đã nghĩ tới sau khi vị chính trị gia này ngừng điều trị ung thư não vài ngày trước. Ông McCain có một khối u não ác tính, được gọi với cái tên glioblastoma. Những đợt điều trị bằng xạ trị vào hóa trị từ năm 2017 không giúp vị chính trị gia này ngăn chặn sự lây lan của khối u.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thông quân ngũ, với bố và ông nội đều mang những quân hàm cao, ông McCain đã kế thừa và phát huy truyền thống gia đình. Ở Việt Nam, có lẽ McCain là tù nhân chiến tranh nổi tiếng nhất bởi vì khi máy bay của ông bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội, bố ông đang là chỉ huy của tất cả lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương.
Sau khi được trả tự do năm 1973 cùng nhiều tù binh Mỹ khác, McCain trở về Mỹ trước khi bước chân vào sự nghiệp chính trị. Rời khỏi biên chế Hải quân, McCain tới định cư ở Arizona và trở thành Hạ nghị sĩ trong 2 nhiệm kỳ từ 1983 tới 1987 và 6 nhiệm kỳ ở Thượng viện. Ông còn hai lần chạy đua vào Nhà Trắng.
Năm 2000, ông McCain thất bại trước ứng cử viên khác của đảng Cộng hòa là George W. Bush, người sau này trở thành Tổng thống Mỹ. Trở lại cuộc đua chiếc ghế quyền lực nhất năm 2008, thời điểm khủng hoảng tài chính reo rắc nỗi ám ảnh với người Mỹ nói chung, ông McCain tiếp tục có quyết định táo bạo nhất trong sự nghiệp chính trị của mình là chạy đua ghế tổng thống. Đối thủ lớn nhất của ông là ứng viên Barack Obama, một người Mỹ gốc Phi.
Đi xa hơn lần trước, ông McCain đã vượt qua các đối thủ khác để trở thành Ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, ông không thể vượt qua được Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, người sau này trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ - Barack Obama.
Một trong những phát ngôn ông McCain được ca ngợi nhất trong quá trình tranh cử là nói về đối thủ - Barack Obama. Khi một phụ nữ ủng hộ ông khẳng định bà không tin Obama vì ông ấy là người Ả Rập, thay vì hùa vào, McCain lại nói rằng: "Không thưa bà, ông ấy là một người đàng hoàng, một công dân Mỹ mà tình cờ, tôi và ông ấy có những bất đồng về các vấn đề cơ bản". Câu nói này đã khiến ông được cả nước Mỹ ca ngợi.
Thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng không khiến McCain quên đi nhiệm vụ của ông tại Thượng viện trong vai trò của một người Cộng hòa. Ông cũng là một nhà phê bình kiên trì và thẳng thắng trong suốt 8 năm ông Obama nắm quyền. Ông cũng gia nhập nhóm Thượng nghị sĩ của cả 2 đảng có tên Gang of Eight nhằm tìm cách thỏa hiệp cho việc cải cách nhập cư toàn diện.
Tháng 1/2015, khi người Cộng hòa giành quyền kiểm soát Thượng viện, ông McCain chính thức trở thành Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, nắm trong tay sức mạnh để thúc đẩy các mục tiêu an ninh và tài chính quốc gia với ngân sách chi tiêu cho quân sự lên tới 600 tỷ USD.
Khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, Thượng nghị sĩ McCain cũng không ngần ngại lên tiếng chỉ trích những chính sách của vị tổng thống Mỹ thứ 45. Tổng thống Trump cũng không mấy hài lòng với vị Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện nên khi ký thông qua Đạo luật ủy quyền quốc phòng John S. McCain (NDAA), ông Trump chẳng một lần nhắc tên vị chính trị gia lão luyện dù nó mang tên McCain.
Nước Mỹ tiếc thương
"Trái tim tôi tan vỡ. Tôi thật may mắn khi được người đàn ông tuyệt vời này yêu thương suốt 38 năm qua", bà Cindy, vợ ông McCain, viết trên Twitter sau sự ra đi của vị chính trị gia lão luyện.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng gửi lời chia buồn tới gia đình ông McCain: "Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình Thượng nghị sĩ John McCain".
Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, người vượt qua ông McCain trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2000, cũng gửi những lời chia buồn tới gia đình ông McCain. "Một số người có cuộc sống nhiệt thành tới mức thật khó để tưởng tượng họ ra đi. Có những tiếng nói mạnh mẽ đến mức khó lòng tưởng tượng ngày nào đó nó không còn cất lên. John McCain là người có niềm tin sâu sắc và lòng ái quốc vô cùng. Ông đã hết lòng phục vụ đất nước và với tôi, ông là người bạn mà tôi không thể nào quên", ông Bush nói.