Nhiều năm làm việc nhưng anh L.V. Tân (39 tuổi, quận Phú Nhuận, TP HCM) vẫn chưa thể vơi đi cảm giác hụt hẫng với cái Tết... không thưởng. Mặc dù đã sang tháng đầu tiên của năm 2020 nhưng công ty anh, một doanh nghiệp địa ốc có tiếng, niêm yết sàn chứng khoán, trụ sở tại quận Phú Nhuận, vẫn đang nợ lương từ tháng 11. Tức là, hơn 2 tháng nay, anh vẫn chi tiêu bằng tiền của vợ.
Anh Tân cho biết, như mọi năm, Tết Dương lịch, nhân viên công ty có thể được thưởng 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, Tết Âm lịch được nửa tháng lương. Năm nay, công ty cắt luôn tiền thưởng Tết Dương lịch. Anh không hy vọng Tết Âm lịch được thưởng, chỉ mong lấy được lương về cho Tết bớt... buồn.
Chỉ còn hơn một tuần nữa là nghỉ Tết nhưng chị L.B. Lan (35 tuổi, quận Tân Phú, TP HCM) vẫn chưa nhận được thông tin thưởng Tết. Công ty chị Lan hoạt động tại Long An, chuyên phân lô, bán đất nền nhưng năm 2019 cũng trải qua nhiều biến động. Dự án được bán ra nhưng không nhiều, giảm khoảng 50% so với mọi năm. Mới đây, phòng hành chính nhân sự công ty chị Lan có gửi thư đề cập chuyện thưởng Tết, trong đó khuyến khích nhân viên nhận một nửa trước Tết, một nửa sau Tết. Tuy nhiên, mức thưởng cụ thể vẫn chưa được tiết lộ, mặc dù ai cũng sẵn sàng chuẩn bị tâm lý sụt giảm so với năm ngoái.
Không chỉ các chủ đầu tư mà nhiều công ty môi giới cũng trong tình trạng ảm đạm như nợ hoa hồng, cắt giảm lương, cắt giảm nhân viên và không có thưởng Tết. Chị P.T. Uyên (33 tuổi, quận 6, TP HCM) làm khối hành chính trong một công ty môi giới nhà đất có tên tuổi ở quận 5, cho biết lương vẫn nhận đủ nhưng Tết không có thưởng. Nhân viên công ty chị chỉ nhận được lương tháng thứ 13, ngoài ra không có thưởng đánh giá công việc (KPI) như mọi năm.
Các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng có nhiều mức thưởng Tết khác nhau. Ảnh: T.L |
Những điểm sáng hiếm hoi
Trong bối cảnh chung ảm đạm của thị trường, một doanh nghiệp xây dựng tại quận 3 vẫn duy trì chế độ thưởng Tết, trả tháng lương thứ 13, quà cho cán bộ nhân viên. Tuy mức thưởng chỉ bằng 50% năm trước nhưng chị N.T.Nga (38 tuổi, quận 4) vẫn bằng lòng, cho rằng đây là một sự cố gắng của công ty, hơn nhiều doanh nghiệp khác cắt giảm toàn bộ. Chị Nga hy vọng năm mới, thị trường bất động sản sẽ khởi sắc hơn, công ty có nhiều hợp đồng trúng thầu để kết quả kinh doanh đạt được kỳ vọng.
Một vài doanh nghiệp khác vẫn giữ được mức thưởng khá. Có được nhiều hợp đồng trúng thầu trong năm nên công ty xây dựng Newtecons, thành viên của Coteccons Group, không những có thưởng Tết mà còn cao hơn năm trước. Tết Dương lịch và Âm lịch, Newtecons duy trì thưởng trung bình 1,5 -2 tháng lương trở lên. Ngoài ra, công ty còn duy trì việc thưởng theo tháng, thưởng theo KPI, thưởng định kỳ các ngày lễ... Như vậy tính chung trong năm 2019, Newtecons thưởng khoảng 6 - 8 tháng lương.
Công ty bất động sản An Gia cho biết mức thưởng Tết trung bình năm 2020 dự kiến tăng khoảng 20% so với năm trước. Định mức cụ thể, An Gia chưa công bố chính thức trong nội bộ. Tuy nhiên, năm 2018, công ty này thưởng cao nhất 6 tháng lương, thấp nhất là 0,5-1 tháng, tùy theo mức độ hoàn thành công việc của nhân viên. Theo đại diện công ty, năm 2019, chế độ lương thưởng còn áp dụng một hình thức mới là thưởng theo quý, nếu nhân viên hoàn thành xuất sắc công việc có thể được thưởng 50% tháng lương. Như vậy trong một năm, nhân viên công ty An Gia có thể được nhận tới 19 tháng lương.