Không biết năm nay sẽ được thưởng Tết những gì, nhưng cứ nhìn vào chuyện thưởng Tết bằng hương nhang, tương ớt, quần đùi, giấy vệ sinh… từ những năm trước là người lao động lại “cười ra nước mắt”. Và có lẽ, chỉ có ở Việt Nam mới có thưởng độc như thế...
Câu chuyện một công ty may thưởng Tết cho nhân viên 70 chiếc quần đùi dù đã là chuyện mấy năm trước nhưng hễ cứ đến gần dịp Tết là câu chuyện thưởng Tết này lại được nhiều người nhớ đến.
Đó là năm, nhiều công ty may mặc hoạt động không mấy khởi sắc, đơn hàng giảm mạnh, do đó không có tiền chi thưởng Tết nên để khích lệ nhân viên, một công ty dệt may tại Hoàng Mai, Hà Nội đã sử dụng ngay sản phẩm của công ty sản xuất thưởng cho nhân viên.
Theo đó, thay vì thưởng Tết một tháng lương như mọi năm, công ty quyết định thưởng cho mỗi nhân viên 70 chiếc quần đùi.
Hay là câu chuyện thưởng Tết ở một cơ sở sản xuất hương ở Đan Phượng, Hà Nội vài năm. Theo đó, cơ sở này cũng đã thưởng Tết cho công nhân mỗi người 100.000 đồng và kèm theo là một bó hương mỗi loại. Lý giải việc thưởng Tết bằng món đồ “cây nhà lá vườn” ấy là bởi sếp ở đây quan niệm “năm hết, tết đến, nhà nào chẳng phải thắp hương”.
Hoặc tại một công ty xuất nhập khẩu ở Cầu Giấy (Hà Nội) do đối tác ế hàng nên trả cổ phần bằng dầu ăn, công ty này đã lấy luôn hiện vật đó làm khoản thưởng cho cán bộ, nhân viên.
Nhiều người vẫn còn nhớ vào dịp Tết Nguyên đán 2014, một công ty ở TP.HCM quyết định thưởng cho mỗi nhân viên một thùng tương ớt ăn Tết, riêng lãnh đạo sẽ được nhận tới 2 thùng. Dở khóc dở cười với khoản thưởng Tết ấy, nhiều nhân viên còn bàn nhau, mang thùng tương ớt đem bán cho các tiệm tạp hóa để đổi lại tiền mua thứ khác.
Tuy nhiên, câu chuyện thưởng Tết “cười ra nước mắt” còn chưa dừng lại ở đó, việc một công ty truyền thông thưởng Tết cho nhân viên với 10 bịch giấy vệ sinh. Và theo giải thích của lãnh đạo công ty này thì việc thưởng Tết bằng giấy vệ sinh có hơi kỳ nhưng đây là thứ thiết thực, nhà nhà, người người đều cần đến. “Thà có một tí cho anh em đỡ tủi còn hơn là không có gì!”
Thời buổi khó khăn, không có thưởng thì sợ nhân viên buồn, lãnh đạo cũng đành cố gắng hết sức để có chút thưởng. Còn nhớ, một công ty ở khu công nghiệp Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) mấy năm trước đã quyết định thưởng Tết cho công nhân bằng việc tặng vé ô tô đưa họ về quê ăn Tết.
Lãnh đạo công ty này giải thích vì đa số công nhân đều đến từ các tỉnh xa, việc mua vé ô tô dịp Tết gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, mỗi công nhân phải đóng thêm 100.000 đồng, công ty tổ chức xe ô tô đưa công nhân về quê. Sau Tết, công nhân nào không đi làm sẽ không được hoàn lại 100.000 đồng đã đóng.
Thậm chí, có công ty kinh doanh vật liệu xây dựng ở Thái Nguyên còn có ý tưởng quy tiền thưởng cho nhân viên ra… gạch. Do việc kinh doanh vật liệu xây dựng ế ẩm, vắng khách, hàng tồn kho nhiều, chính vì vậy, lãnh đạo đã quyết định thưởng cho nhân viên gạch để đó sau này xây nhà sẽ dùng tới, hoặc có thể bán, đổi cho ai cũng được.
Có lẽ những câu chuyện thưởng Tết không phải bằng tiền mà bằng những hiện vật “cười ra nước mắt” này sẽ còn tiếp diễn khi Bộ luật Lao động 2019 đã mở rộng khái niệm tiền thưởng không chỉ là tiền mà còn bằng các hình thức khác.
Điều 104 của Bộ luật này quy định, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Như vậy, từ ngày 1/1/2021, người sử dụng lao động có thể thưởng cho người lao động không chỉ bằng tiền, mà có thể bằng hiện vật như chính hàng hóa, dịch vụ của công ty; hoặc thưởng bằng các hình thức khác như phiếu mua hàng giảm giá, chuyến du lịch…
Theo Sở Lao động – Thương binh và xã hội Hà Nội, hiện đơn vị này vẫn chưa có báo cáo chính thức về tình hình lương, thưởng Tết trên địa bàn TP Hà Nội do chưa đủ số lượng quận huyện để tổng hợp. Tuy nhiên, số liệu ban đầu cho thấy mức lương, thưởng có chút khởi sắc; còn cụ thể phải chờ báo cáo đầy đủ từ các quận, huyện gửi về.