Doanh thu sụt giảm gần một nửa so với năm 2020 nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chi đậm để thưởng Tết cho công nhân, người lao động từ 10-60 triệu đồng, nhân viên sales 150 - 200 triệu đồng.
Tìm mọi cách tăng thưởng cho công nhân vui đón Tết
Những ngày đầu tháng 12, các doanh nghiệp đều đang vội vã với những đơn hàng cuối năm để bù đắp doanh thu sau nhiều tháng giãn cách. Song song đó, nhiều doanh nghiệp cũng đang khẩn trương tính thưởng Tết cho người lao động.
"Mọi hoạt động của công ty đã khôi phục so với trước dịch và lợi nhuận tăng mạnh. Tính đến thời điểm hiện tại, doanh thu của chúng tôi so với năm 2020 có giảm nhưng không đáng kể, mọi khó khăn đã được khắc phục. Do vậy, thưởng Tết năm nay của công ty vẫn được duy trì như mọi năm, người lao động không bị ảnh hưởng", bà Đỗ Thị Thúy - Tổng Giám đốc Công ty thuốc Thú y Ánh Việt (KCN Hiệp Phước) chia sẻ.
Theo bà Thúy, doanh nghiệp đang có nhiều phương án thưởng Tết cho người lao động theo từng vị trí. Ngoài thưởng Tết theo quy định, doanh nghiệp sẽ thưởng thêm các tổ chức xuất sắc, cá nhân xuất sắc, cá nhân có cống hiến...
"Dịch thì toàn thế giới bị ảnh hưởng, doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nhưng mình phải tìm mọi cách để tăng lương, thưởng để người lao động vui xuân đón Tết, bỏ lại phía sau một năm khó khăn, căng thẳng. Tiền thưởng Tết phải đủ để người lao động lo chi phí cần thiết dịp Tết cho gia đình và có động lực tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp. Năm nay, những công nhân có thâm niên trên 5 năm ở công ty sẽ được thưởng 50 - 60 triệu đồng, nhân viên sales có mức thưởng khoảng 200 triệu đồng", bà Thúy nhấn mạnh.
Đưa ra kế hoạch thưởng khá sớm nhưng bà Thúy cũng cho biết, để thưởng Tết đúng hẹn cho người lao động cũng phải dựa vào số tiền thu được từ khách hàng từ nay đến cuối năm. Nếu số tiền thu về chậm hơn kế hoạch, công ty có thể chi thưởng Tết cho người lao động chậm hơn dự kiến hoặc chia ra làm 2 lần trước và sau Tết.
Tương tự, tại công ty TNHH A.L (chuyên sản xuất, kinh doanh nội thất, bất động sản) ở Tân Bình cũng đã xây dựng xong phương án thưởng Tết cho người lao động. Năm nay, dù công ty gặp không ít khó khăn về tài chính, chịu tổn thất nặng về doanh thu nhưng thưởng Tết cho công nhân, người lao động vẫn duy trì ở mức 2 - 3 tháng lương, kèm quà.
"Tôi từng làm công nhân nên tôi rất quan tâm đến vấn đề thưởng Tết cho người lao động của mình. Tôi cố gắng mỗi năm đều tăng thưởng hơn năm trước khoảng 10%. Năm nay, dù mức thưởng không được như kỳ vọng nhưng những công nhân, người lao động có thành tích tốt vẫn có mức thưởng từ 30 - 100 triệu đồng", ông Nguyễn Anh Kiên, giám đốc công ty A.L thông tin.
Lãnh đạo công ty A.L cho biết, năm nay, duy trì thưởng Tết cho người lao động là cả sự nỗ lực của các doanh nghiệp. Năm nay, ngoài các đơn hàng bị đình trệ, các doanh nghiệp cũng phải chi rất nhiều tiền cho việc tổ chức sản xuất "3 tại chỗ", xét nghiệm Covid-19, rồi giá nguyên liệu lại tăng cao. Do vậy, nếu không đặt con người làm trọng tâm để phát triển, các doanh nghiệp sẽ rất khó có thưởng Tết cao cho người lao động.
Thưởng Tết thấp sẽ mất lao động sau Tết
Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cũng nhận định: "Công nhân, người lao động luôn là trọng tâm, là chủ thể để công ty hoạt động và phát triển. Trước hay sau dịch cũng cần phải đặt mục tiêu đảm bảo an toàn và phát triển cho người lao động lên hàng đầu. Do vậy, dù khó khăn, công ty vẫn có mức thưởng tương xứng cho người lao động".
Cũng theo ông Việt, nếu doanh nghiệp không chú trọng giữ lao động bằng việc đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, thưởng Tết thì sau Tết khả năng lao động nghỉ việc sẽ rất cao. Thời gian qua, dù tại nhà máy vẫn có F0, các dây chuyển sản xuất bị ngưng trệ nhưng công ty Việt Thắng Jean vẫn hỗ trợ công nhân đảm bảo đời sống, dù đi làm hay tạm ngưng việc.
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, mức thưởng cao nhất dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 trên địa bàn là 1,07 tỷ đồng; mức thưởng Tết dương lịch bình quân là 3,4 triệu đồng/người, bằng năm 2019. Tiền thưởng Tết Tân Sửu bình quân 8,8 triệu đồng/người, giảm 12% so với năm 2019.
Ông Tấn nhận định, năm nay mức thưởng Tết khó đạt được như các năm trước. Nguyên nhân do các doanh nghiệp bị tác động mạnh bởi dịch bệnh, phải giãn cách nhiều tháng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn duy trì các hoạt động lương, thưởng cơ bản để giữ chân người lao động.
Trong tháng 12/2021, Sở LĐ-TB&XH TPHCM sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường giám sát tình hình trả lương, thưởng dịp Tết Nguyên đán 2022 và ổn định lao động, việc làm, quan hệ lao động tại 3.000 doanh nghiệp trên địa bàn.
Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM Huỳnh Văn Tuấn cho hay, đến thời điểm này, một số doanh nghiệp đã có báo cáo về thưởng Tết 1 tháng lương, nhiều doanh nghiệp có mức 50-70% so với mọi năm. Từ nay đến cuối năm, công đoàn sẽ nỗ lực thương lượng với các doanh nghiệp để có phần thưởng Tết tương xứng với công sức người lao động đóng góp cho công ty.
(Theo Dân trí)